|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Arab Saudi giảm sản lượng để nâng giá dầu, nhưng không thể một mình chống lại thị trường

17:03 | 06/07/2023
Chia sẻ
Theo Wall Street Journal, thị trường dầu mỏ đã gửi một lời cảnh báo tới Arab Saudi cùng những nước đang kỳ vọng giá dầu sẽ phục hồi rằng họ đừng nên mong chờ, bởi nguồn cung có thể đang dư thừa.

Một trạm xăng của gã khổng lồ năng lượng BP. (Ảnh: Getty Images).

Tình trạng bù hoãn mua

Theo Wall Street Journal (WSJ), thị trường dầu mỏ đã gửi một lời cảnh báo tới Arab Saudi cùng những nước đang kỳ vọng giá dầu sẽ phục hồi rằng họ đừng nên trông chờ vào viễn cảnh đó.

Arab Saudi đã bắt đầu giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày từ cuối tuần trước. Đây là một phần trong canh bạc rủi ro mà Riyadh tiết lộ vào tháng trước để kiểm soát nguồn cung dầu thô.

Giới chức Arab Saudi tin rằng nhu cầu sẽ vượt nguồn cung vào nửa cuối năm nay, tạo đà cho giá dầu phục hồi và qua đó củng cố lợi nhuận cho các nhà sản xuất năng lượng.

Các nhà phân tích tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và một số ngân hàng ở Phố Wall đồng ý rằng nhu cầu có thể quay trở lại trong nửa cuối năm 2023.

Rắc rối là, thị trường dầu mỏ dường như đang mâu thuẫn với Arab Saudi và các nhà phân tích. Một thước đo quan trọng cho thấy các nhà đầu tư tin rằng nguồn cung sẽ không giảm trong nhiều tháng tới.

Trong những ngày gần đây, hiện tượng bù hoãn mua (contango) đã xuất hiện, là tín hiệu cho thấy cung đang vượt cầu. Bù hoãn mua xảy ra khi giá tương lai của một mặt hàng cao hơn giá giao ngay của mặt hàng đó trong ngắn hạn.

Chia sẻ với WSJ, ông Greg Newman, CEO của công ty môi giới Onyx Capital Group, nhận xét: “Đó quả thực là một tín hiệu xấu”.

Tuy nhiên, vị CEO ngạc nhiên khi giá dầu Brent không lao dốc. Ông dự đoán giá dầu Brent sẽ giảm xuống còn 58 đến 62 USD/thùng.

Nền kinh tế yếu ớt

Những biến động trên thị trường dầu mỏ có ý nghĩa lớn cũng như có thể phản ánh tình trạng của nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng của Trung Quốc đã chững lại, và Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cũng đang có dấu hiệu suy yếu.

Tháng trước, World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay do lạm phát cao và lãi suất tăng. Cơ quan này cho rằng tăng trưởng cả năm 2023 sẽ đạt 2,1%, giảm so với mức 3,1% của năm ngoái.

Trong nửa đầu năm nay, giá dầu Brent đã giảm 13% xuống còn hơn 76 USD/thùng vào phiên 5/7, bất chấp những nỗ lực cắt giảm sản lượng trước đó của liên minh dầu mỏ OPEC+.

Theo ông Marwan Younes, CIO của quỹ phòng hộ Massar Capital Management, mức tiêu thụ nhiên liệu ở Trung Quốc và châu Âu đều đang đi xuống.

Vị CIO cho biết Trung Quốc đã nhập khẩu dầu thô với tốc độ gần mức kỷ lục và một phần đáng kể dường như đang được đưa vào các kho dự trữ chiến lược của chính phủ.

“Các yếu tố vĩ mô lớn và quan trọng đang thực sự đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu”, ông Younes bày tỏ với WSJ.

Arab Saudi cần quyết liệt hơn

Bằng cách cắt giảm sản lượng, chính quyền Riyadh đã giúp dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao mà nước này thường khai thác tăng giá, ông Adi Imsirovic, Giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn Surrey Clean Energy, cho hay.

Nhờ đó, vào tuần trước, giá dầu chuẩn ở Dubai đã tăng cao hơn so với giá dầu Brent chuẩn quốc tế - lần đầu tiên kể từ mùa thu năm 2020. Đây là diễn biến hiếm khi xảy ra vì dầu giao dịch ở Dubai thường đậm đặc và chứa nhiều lưu huỳnh hơn.

Giá dầu ở Dubai tăng cao hơn là tin tốt cho gã khổng lồ năng lượng Aramco của chính phủ Arab Saudi. Tuy nhiên, những nỗ lực của Riyadh lại không thể kích thích thị trường dầu mỏ toàn cầu đi lên như vậy.

Ông Imsirovic nhận xét: “Arab Saudi lại lần nữa tự đứng trên đôi chân của mình, cắt giảm sản lượng một mình để hỗ trợ thị trường. Song, câu nói xưa cũ lại một lần nữa đúng: OPEC mạnh ở một thị trường mạnh và yếu ở một thị trường yếu”.

Nhà phân tích Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại Saxo Bank, đánh giá thêm: “Vấn đề là khi bạn hạ sản lượng trong một thị trường vốn đã yếu, tác động sẽ rất khiêm tốn. Có vẻ giá dầu sẽ ở mức hiện tại trong một thời gian”.

Theo WSJ, trong bối cảnh nhu cầu trì trệ, lãi suất tăng cao và nguồn cung từ Mỹ, Iran và Nga đổ bộ thị trường như vậy, Arab Saudi, nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, có thể phải hành động quyết liệt hơn nữa để kéo giá dầu thô.

Khả Nhân