|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

APEC 2017 tác động ra sao tới kinh tế Việt Nam?

07:47 | 08/11/2017
Chia sẻ
Câu hỏi về khả năng nối tiếp những thành công kinh tế tương tự giai đoạn hậu APEC 2006 đang được đặt ra khi Việt Nam bước vào kỳ APEC năm nay.
apec 2017 tac dong ra sao toi kinh te viet nam
APEC 2017 tác động ra sao tới kinh tế Việt Nam? (Ảnh minh hoạ)

Kinh tế Việt Nam sau năm APEC 2006 chứng kiến nhiều thay đổi vượt bậc (về GDP, nguồn vốn FDI...). Điều này khiếnnhiều người kỳ vọng về "luồng gió mới" APEC 2017 có thể tiếp tục "đánh thức" những tiềm năng tăng trưởng thêm một lần nữa.

Cơ hội và thách thức với Việt Nam

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank – Kim Eng cho rằng với nỗ lực của Chính phủ và nhiều chính sách mở cửa như hiện nay thì trước mắt, APEC 2017 sẽ tác động tích cực đến kinh tế. Tuy nhiên về dài hạn, hiệu ứng APEC sẽ chỉ lâu dài nếu các chính sách hợp tác trong hội nghị được triển khai và đi vào thực tế, tạo hiệu quả tích cực. Ngoài ra, bối cảnh hiện nay cũng khác với APEC 2006, khi các nước đang ở giai đoạn công nghiệp 4.0 và đồng Bitcoin xuất hiện tạo ra một thế giới mới rất khác biệt.

Sự khác biệt, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, còn là năm 2006, kinh tế thế giới đang ở chu kỳ tăng trưởng ở đỉnh trước khủng hoảng, còn Việt Nam cũng đang đi trong giai đoạn thuận lợi với việc gia nhập WTO, các nguồn vốn trong và ngoài nước dồi dào. Do vậy, kinh tế Việt Nam được nhiều thuận lợi trong tăng trưởng các năm 2007 – 2008. Cũng cần lưu ý lúc đó giá dầu rất cao cũng hỗ trợ nhiều cho ngân sách, còn thị trường BĐS đang mở ra rất nhiều cơ hội phát triển từ việc hạ tầng bắt đầu đẩy mạnh.

apec 2017 tac dong ra sao toi kinh te viet nam
apec 2017 tac dong ra sao toi kinh te viet nam

Nếu xét trên các yếu tố đã nêu thì năm 2017, ông Hiển đánh giá không có những thuận lợi này. Mặt khác, ngân sách đang gánh một khoản nợ công rất lớn trong giai đoạn trước đó và giá dầu giảm sâu. Tuy nhiên, hiện kinh tế Việt Nam cũng có những mặt tích cực như FDI tăng khá tốt, các yếu kém nội tại của nền kinh tế như thâm dụng vốn, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả đã được cải thiện và nhiều chính sách thông thoáng cho kinh tế tư nhân phát triển.

Vì vậy, ông Hiển nhận định kinh tế Việt Nam sau APEC 2017 sẽ không có tốc độ tăng trưởng mạnh như giai đoạn 2007 – 2008 nhưng về chất lượng thì có tích cực hơn, xét trên quan điểm sử dụng vốn và sản xuất hàng hóa.

Để đón đầu các cơ hội, vị chuyên gia này cho rằng các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã giúp nền kinh tế thị trường chuyển hướng khá rõ nét, nhiều công ty cổ phần lớn ra đời và phát triển, năng lực sản xuất kinh doanh đã tăng rõ rệt. Tuy nhiên nhìn lại 10 năm qua, Việt Nam vẫn phát triển chiều rộng là chính, chưa thực sự đi vào chiều sâu với những công ty, sản phẩm Việt có thương hiệu, công nghệ và giá trị gia tăng đủ sức cạnh tranh thế giới.

Sau giai đoạn APEC 2017, Việt Nam cần nhanh chóng đưa những chính sách mới đi vào cuộc sống kinh tế, cần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh nội địa bên cạnh khối FDI, đặc biệt phải đẩy mạnh chuyển đổi những doanh nghiệp nhà nước hàng đầu trở thành công ty cổ phần đại chúng đầu ngành, thúc đẩy chuỗi giá trị để đưa hàng Việt Nam chất lượng ra thế giới dựa trên các hiệp định thương mại, các mối quan hệ kinh tế quốc gia từ APEC. Ngoài ra, nền kinh tế cần đón nhận được những công ty nước ngoài có “chất lượng”, không chỉ nặng về lắp ráp, gia công... mà phải là những công ty công nghệ thật sự.

Thị trường chứng khoán có "bùng nổ"?

Cùng với sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, các chuyên gia cũng kỳ vọng thị trường chứng khoán có những bước tiến mới về chỉ số và giá trị đầu tư sau APEC 2017. Trong khi đó, ông Petri Deryng, Giám đốc quỹ PYN Elite gần đây có đưa ra dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được 1.500 điểm trong 3 năm tới.

Nhìn nhận thị trường, ông Phan Dũng Khánh cho rằng về mặt VN - Index, cuối năm 2017 chứng kiến chỉ số liên tục bứt phá nhưng số lượng nhà đầu tư thua lỗ và số mã giảm áp đảo số mã tăng do thị trường bị các động bởi một số mã lớn. Việc VN-Index đạt được 1.500 điểm trong 3 năm tới vẫn có thể xảy ra nhưng bản chất phải là tăng đều mới bền vững chứ không phải "xanh vỏ đỏ lòng" như hiện nay.

Ngoài ra, ông Khánh lưu ý nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang có xu hướng bán ròng giai đoạn này và thanh khoản đứng ở mức thấp của năm. Nếu điều này không thay đổi thì VN-Index dù vẫn có thể tăng nhưng yếu tố bền vững sẽ bị mất đi và xu hướng tiêu cực sẽ sớm quay lại. Chu kỳ kinh tế và thị trường 10 năm đang lập lại.

Ông Đinh Thế Hiển lại cho rằng thị trường vẫn cần thời gian để tiếp tục hoàn thiện và gia tăng chất lượng hàng hóa trên sàn. Ông Hiển dự báo VN-Index cuối năm 2017 sẽ trong khoảng 800 – 840 điểm. Với dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đi vào ổn định phát triển trong vòng 2 năm tới thì TTCK hoàn toàn có thể đạt được mốc 1.200 điểm trong vòng 3 năm tới, tức tăng khoản 15%/năm. Còn mức 1.500 điểm là một dự đoán hơi lạc quan quá, ông Hiển nói.

Về câu chuyện ngành, ông Khánh phân tích công nghệ chắc chắn được hưởng lợi rất mạnh trong giai đoạn công nghiệp 4.0. Tuy nhiên khác với thế giới, những công ty công nghệ không nhiều trên TTCK Việt Nam nhưng việc áp dụng công nghệ trong các doanh nghiệp khác cũng sẽ tác động tích cực. Dự báo các ngành như vận tải, năng lượng, hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất sau năm 2017.

apec 2017 tac dong ra sao toi kinh te viet nam APEC 2017: Tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững ứng dụng công nghệ cao

Hội thảo chuyên đề về nông nghiệp bền vững đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Ariayana, thành phố Đà Nẵng.

Khổng Chiêm