|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Áp thuế cá tra tăng mạnh sau POR14, cổ phiếu của Hùng Vương lao dốc

15:24 | 26/04/2019
Chia sẻ
Sau thông tin "vua cá tra" Hùng Vương bị áp thuế tăng mạnh, cổ phiếu HVG tiếp tục giảm sàn phiên thứ 4 liên tiếp và mất 31% so với thời điểm đạt đỉnh trong ba tháng qua

Theo thông tin mới nhất từ Vasep, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 1/8/2016 - 31/7/2017. 

Cụ thể, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Công ty Cổ phần Hùng Vương là 3,87 USD/kg. Trước đó, với kết quả sơ bộ công bố ngày 10/9/2018 của DOC, Hùng Vương có thể sẽ được áp dụng mức 0%.

Đối với các doanh nghiệp khác, NTSF Seafood vẫn giữ mức 1,37 USD/kg so với mức thuế sơ bộ đã công bố trước, còn 4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác gồm CP Việt Nam, CL-FISH, Green Farms Seafood và Công ty Cổ phần Thủy sản Vinh Quang sẽ chịu mức thuế 1,37 USD, tăng 0,96 US cent so với mức thuế sơ bộ. Mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng mức 2,39 USD/kg.

Sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu VHG đảo chiều giảm sàn còn 5.570 đồng/cp, thanh khoản trên sàn khoảng 830.000 đơn vị. Cổ phiếu HVG đã giảm sàn 4 phiên liên tiếp, mất 31% so với thời điểm đạt đỉnh trong ba tháng qua (8.150 đồng/cp). 

Trong khi đó, ngoài cổ phiếu AGF cũng giảm sàn, các mã thủy sản khác đều giao dịch tích cực gồm ANV, ACL, IDI, FMC, MPC. 

Áp thuế cá tra tăng mạnh sau POR14, cổ phiếu của Hùng Vương lao dốc - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu HVG trong ba tháng qua. Nguồn: VNDirect

Năm 2018, Hùng Vương khó khăn một phần do ngừng xuất khẩu cá tra vào Mỹ vì bị áp mức thuế xuất khẩu quá cao.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương cho biết, mức thuế trong đợt rà soát thuế chống bán phá giá 14 (POR 14) của Hùng Vương sơ bộ bằng 0. Đồng thời, công ty đang làm việc với bộ phận cố vấn là luật sư tại Mỹ để đạt được mức thuế tốt nhất và khả năng thành công là 80%, còn lại 20% sự rủi ro là do yếu tố chính trị.

Nếu kỳ rà soát POR của Hùng Vương thành công, thì định hướng của công ty là lâu dài. Cuối 2020, Hùng Vương sẽ quay về mục tiêu 20.000 tỉ/năm doanh số và dự kiến mua lại cổ phần đã bán cho Vingroup. Ông Minh cho biết, công ty đã bán cho cổ phần cho Vingroup với giá trị 520 tỉ đồng, chiếm 38% cổ phần, nợ hiện tại của Hùng Vương đã giảm 70% so với thời điểm 2015, xuống 3.124 tỉ đồng.

Nhật Huyền