Áp lực tăng vốn sẽ làm giảm hệ số NIM của BIDV
Áp lực tăng vốn sẽ làm giảm hệ số NIM của BIDV (Ảnh: BIDV) |
Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) nhận định Nghị quyết xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua mới đây có tác động tốt trong dài hạn đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV, Mã: BID). Mặc dù cần phải có thời gian để thực hiện, nhưng BIDV sẽ được hưởng lợi trong dài hạn vì nghị quyết cho phép BIDV đẩy nhanh việc thu nợ xấu bằng cách bán tài sản thế chấp.
Áp lực tăng vốn sẽ làm giảm NIM của BIDV
Dưới áp lực đáp ứng chuẩn Basel II, BIDV bắt buộc phải thực hiện tăng vốn điều lệ. Trong năm 2017, BIDV dự định tăng vốn thêm 4.445 tỷ đồng lên 38.632 tỷ đồng bằng cách thực hiện 3 phương án phát hành cổ phiếu gồm phát hành ESOP, trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, đại diện của Bộ Tài chính yêu cầu BIDv phải trả 7% cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2016 trong quý II/2017 nên kế hoạch tăng vốn của ngân hàng bị bỏ ngỏ.
SSI Research cũng chỉ ra những khó khăn về giá và phương thức phát hành trong việc huy động vốn cấp 1 của BIDV. Cụ thể, các nhà đầu tư tài chính muốn mua cổ phiếu giá thấp so với giá thị trường nhưng khó có được sự đồng ý từ Chính phủ. Trong khi các nhà đầu tư chiến lược cần phải mua một lượng lớn cổ phiếu, lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 đến 5 năm và phải kèm theo việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật và điều hành.
Do việc huy động vốn cấp 1 của BIDV còn hạn chế trong khi không thể tăng vốn cấp 2 khi đã đạt đến giới hạn nên BIDV sẽ phải cơ cấu lại loại tài sản giảm tài sản có rủi ro để hỗ trợ hệ số CAR hiện đang ở mức thấp (khoảng 10% vào cuối năm 2016). Do vậy, tăng trưởng tín dụng có thể không thể đạt 16% trong năm nay.
Cụ thể, trong quý I/2017, BIDV đã phải điều chỉnh danh mục cho vay tăng tỷ trọng các khoản vay ngắn hạn (7% so với cuối năm) trong khi cho vay trung dài hạn chỉ tăng trên 3%. Điều này cũng sẽ làm giảm hệ số NIM của năm 2017. SSI Research dự báo NIM sẽ giảm từ 2,66% của năm 2016 xuống 2,61% trong năm 2017. Tuy nhiên, do các khoản vay cá nhân tăng ước khoảng 20 – 25% sẽ giúp bù đắp sự suy giảm của hệ số NIM.
Lợi nhuận trước thuế năm 2017 ước đạt 7.913 tỷ đồng
SSI Research cũng đưa ra giả định rằng BIDV sẽ tăng chi phí dự phòng cho trái phiếu đặc biệt của VAMC để có thể hoàn tất trích lập dự phòng cho trái phiếu này vào năm 2019. Do vậy mức trích lập dự phòng tăng thêm ước tính là 40% số lượng cần phải trích lập trong năm 2017.
Từ đó, SSI Research đưa ra dự báo lợi nhuận trước thuế của BIDV sẽ đạt 7.913 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm trước và đạt 8.253 tỷ đồng trong năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng 15% đạt 832.781 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần tăng 14,5% đạt 26.840 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức 1,9% vào năm 2017 và 1,95% vào năm 2018. Theo đó, SSI Research nâng dự báo lợi nhuận trước thuế từ 7.100 tỷ đồng trước đó lên 7.913 tỷ đồng (cao hơn so với mức kế hoạch của BIDV là 7.750 tỷ đồng).
BVSC: Nghị quyết xử lý nợ xấu tác động tích cực đối với BIDV, Sacombank
BVSC đánh giá Nghị quyết nợ xấu được thông qua tác động tích cực đối với ngành ngân hàng nói chung, đặc biệt là những ... |
BIDV báo lãi 3.200 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tăng gần 7%
Tính đến 31/5, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, thực hiện 41% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm ... |
ĐHCĐ BIDV: Chốt cổ tức 2016 tỷ lệ 7% bằng tiền, Vụ trưởng Vụ thanh toán làm thành viên HĐQT
Đại hội thường niên 2017 của BIDV đã thông qua nhân sự cấp cao nhiệm kỳ mới 2017 - 2020 cũng như việc tăng vốn và ... |