|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip

09:40 | 30/04/2019
Chia sẻ
Công ty cổ phần thanh toán quốc gia VN (NAPAS) vừa đẩy nhanh lộ trình giảm phí chuyển tiền từ 47 - 100% đối với các ngân hàng.

Áp lực chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip - Ảnh 1.

Ngân hàng cần tính toán để giảm phí giao dịch qua thẻ cho khách hàng ẢNH: NGỌC THẮNG

Đây là một tín hiệu vui cho thị trường nhưng liệu các ngân hàng có chịu giảm phí đối với khách hàng hay không thì chưa biết.

Giảm phí, đẩy nhanh chuyển đổi thẻ từ sang chip

Từ ngày 1.5, NAPAS giảm từ 47 - 80% phí dịch vụ chuyển mạch (tùy theo loại giao dịch) cho các ngân hàng (NH) thành viên hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang thẻ tiêu chuẩn chip nội địa.

Theo NAPAS, việc này nhằm hỗ trợ các NH hoàn thành mục tiêu chuyển đổi 25 triệu thẻ ATM, 150.000 máy POS và 6.000 máy ATM vào cuối năm 2019 theo lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ tiêu chuẩn chip nội địa của NH Nhà nước. Ngoài ra, từ ngày 1.10, NAPAS sẽ thực hiện giảm tiếp 25% phí dịch vụ chuyển mạch cho các NH thành viên triển khai kết nối với hệ thống thanh toán bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ (ACH) của NAPAS.

Về nguyên tắc, khi NAPAS giảm phí cho ngân hàng, thì ngân hàng phải giảm phí tương ứng cho khách hàng

TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT NH TMCP Quốc Dân (NCB)

Trước đó, ngày 1.3, NAPAS thực hiện giảm 100% phí dịch vụ chuyển mạch (mức thu bằng 0 đồng) tùy theo loại giao dịch đối với các NH sở hữu mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS...), sớm hơn 2 năm so với lộ trình đặt ra ban đầu. Cách đây 1 năm, NAPAS đã giảm 25% phí dịch vụ chuyển mạch này.

Theo NAPAS, lộ trình giảm phí được xây dựng và triển khai từ năm 2018, mức phí cho NH phát hành giảm từ 500 đồng xuống 350 đồng (vào 1.3.2018), xuống 200 đồng vào 1.3.2019, còn 50 đồng vào 1.3.2020 và về 0 đồng vào ngày 1.3.2021.

Thế nhưng, NAPAS đã giảm phí về 0% sớm hơn 2 năm so với lộ trình đề ra nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng 48 NH thành viên giảm các chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, kích thích tín dụng, tạo điều kiện để các NH xây dựng chính sách phí dịch vụ hợp lý dành cho khách hàng, khuyến khích khách hàng trải nghiệm và sử dụng ngày càng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ.

Nếu nhìn vào mức phí từ 50 - 500 đồng/giao dịch thì không đáng kể, nhưng do lượng giao dịch qua NAPAS những năm qua ngày càng tăng nên việc thực hiện sớm hơn lộ trình đã khiến NAPAS giảm doanh thu bình quân khoảng 50 tỉ đồng/năm. Tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS năm 2017 khoảng 267 triệu giao dịch (tăng 24% so với năm 2016) với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 656.000 tỉ đồng (tăng 102% so với năm 2016). Qua năm 2018, tổng giá trị giao dịch tăng lên 388,9 triệu với tổng giá trị giao dịch tăng đột biến lên 1,763 triệu tỉ đồng, tăng 2,3 lần về số lượng giao dịch và hơn 50 lần về giá trị giao dịch so với năm 2015.

Trong đó, tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống chuyển khoản liên NH 24/7 của NAPAS tăng trưởng gấp 4 lần tổng giá trị giao dịch rút tiền mặt tại mạng lưới ATM liên NH. Điều này đồng

nghĩa việc giảm tải cung ứng tiền mặt tại hệ thống ATM, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Theo kế hoạch năm 2019, hệ thống NAPAS dự kiến xử lý hơn 500 triệu giao dịch với tổng giá trị 2,738 triệu tỉ đồng.

Ngân hàng cần giảm phí

Gần đây, nhiều NH đã tung ra các chương trình giảm phí rút tiền ATM, phí chuyển khoản như VIB giảm 2 loại phí này cho khách hàng mới trong vòng 6 tháng; Techcombank miễn phí chuyển tiền NH điện tử; Vietcombank miễn phí chuyển tiền đối với khách hàng hội đủ một số điều kiện như tổng số dư tiền gửi có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn từ 2 tỉ đồng trở lên, tổng dư nợ ở nợ nhóm 1 từ 3 tỉ đồng trở lên, chủ thẻ tín dụng Platinum có doanh số chi tiêu từ 150 triệu đồng/năm trở lên…

Dù vậy, theo một số nhà băng, việc NAPAS giảm phí nhưng NH, đặc biệt là NH đầu tư nhiều máy ATM, POS vẫn khó giảm phí đồng loạt cho khách hàng. Bởi tính bình quân mỗi giao dịch tại ATM hiện nay NH phải chịu khoảng 8.000 đồng, trong khi chỉ được thu của khách hàng từ 1.000 đồng/giao dịch rút tiền (chưa tính thuế giá trị gia tăng 10%) tại máy ATM cùng hệ thống và khác hệ thống NH là 3.000 đồng/giao dịch. Vì thế, NAPAS giảm phí chỉ giúp NH bù đắp được phần nào khoản lỗ trong hoạt động này chứ khó có một cuộc chạy đua giảm phí rút tiền, phí chuyển khoản trên diện rộng.

Không đồng tình với lập luận này, TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT NH TMCP Quốc Dân (NCB), cho rằng tính toán này là các nhà băng đã không “chơi đẹp” với khách hàng. “Về nguyên tắc, khi NAPAS giảm phí cho NH, thì NH phải giảm phí tương ứng cho khách hàng”, ông Hiếu nói. Thừa nhận phí của NAPAS chỉ là 1 trong 4 cấu phần tạo nên phí dịch vụ rút tiền, chuyển tiền mà khách hàng phải chịu, còn nhiều loại phí liên quan đến hoạt động ATM như phí đầu tư (mua máy móc, thiết bị, phần mềm, đào tạo, nguồn nhân lực...), phí thường trực (bảo trì...), thanh khoản nhưng ông Hiếu cho rằng, lượng tiền của khách hàng để trên tài khoản thẻ có mức lãi suất rất thấp, NH vẫn cho vay với lãi suất cao hơn nên thực chất, phí rút tiền ATM không đến 8.000 đồng/giao dịch. Các NH nên tính toán trên tổng thể để giảm phí cho khách hàng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thanh Xuân