Ảnh hưởng từ vụ việc 'mất tiền' của bà Chu Thị Bình làm vốn huy động của Eximbank liên tục giảm
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Ảnh: Eximbank).
Đánh giá về kết quả kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB), Ban kiểm soát (BKS) của ngân hàng nhận định mặc dù các chỉ tiêu kinh doanh có tăng so với năm 2017 nhưng mức tăng còn khá thấp, chưa hoàn thành kế hoạch đề ra.
BKS ghi nhận nguyên nhân chủ yếu do bị ảnh hưởng từ các vụ việc liên quan đến tiền gửi.
Cụ thể, BKS đánh giá vụ việc tiền gửi tại chi nhánh TP HCM và PGD Đô Lương (Vinh) đã ảnh hưởng đến hoạt động của toàn hệ thống gây nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn, tín dụng cũng bị liên đới do phải duy trì chính sách kiểm soát tín dụng.
Năm 2018, tổng vốn huy động chỉ tăng 1% với 118.694 tỉ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch; tổng dư nợ tín dụng tăng 3% đạt 104.118 tỉ đồng, bằng 92% kế hoạch.
Cùng với đó, Eximbank đã phải trích lập dự phòng 904 tỉ đồng gồm dự phòng trái phiếu VAMC là 514 tỉ đồng và dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi liên quan đến hai vụ việc tiền gửi bà Chu Thị Bình và Nguyễn Thị Lam (390 tỉ đồng). Điều này đã khiến lợi nhuận hợp nhất chỉ đạt 827 tỉ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch.
Trong năm 2018, BKS cũng đã tiến hành 38 cuộc kiểm toán, rà soát các phòng ban hội sở và các đơn vị kinh doanh. Qua đó, BKS đã có một số ý kiến đánh giá về quá trình hoạt động của những bộ phận này.
Đáng chú ý BKS đã chỉ ra một số vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động của Eximbank như: tỉ lệ cho vay/huy động vượt mức qui định; cho vay nhóm khách hàng có liên quan; các khoản vay thế chấp bất động sản, tài sản hình thành trong tương lai; các khoản nợ tồn đọng, lãi treo; tình hình sử dụng con dấu tại chi nhánh, phòng giao dịch,…
Tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tại tháng 4 và tháng 5/2018 đã vượt mức tối đa theo Thông tư 36 (80%) nhưng không ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng. BKS đánh giá đây cũng là do ảnh hưởng từ vụ việc gửi tiền của bà Chu Thị Bình làm vốn huy động của Eximbank liên tục giảm.
Để đối phó với khủng hoảng này, Eximbank đã dùng nhiều biện pháp để đẩy mạnh số dư huy động và đưa tỉ lệ này về đúng qui định.
Ngày 19/4, tại toà phúc thẩm vụ việc liên quan đến gửi tiền của nữ đại gia Chu Thị Bình, HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà Chu Thị Bình, sửa bản án sơ thẩm về việc xử lí vật chứng.
Tòa buộc Eximbank có trách nhiệm thanh toán cho Bà bình tổng cộng 115 tỉ đồng, gồm gần 100 tỉ đồng là phần lãi suất tính theo lãi suất thông thường ngân hàng chưa thanh toán 3 sổ tiết kiệm mà bà Bình đang giữ và phần lãi phạt hơn 16 tỉ đồng chứ không tính theo lãi suất không kì hạn theo cách của Eximbank đưa ra.