|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

An toàn phòng cháy bị xem nhẹ, hậu quả hỏa hoạn khó lường ở chung cư mini

20:28 | 13/09/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia nhận xét, suốt thời gian qua, mô hình chung cư mini mọc lên như nấm nhưng đang có rất nhiều bất cập.

 Ảnh minh hoạ: Dân trí.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini cao 9 tầng, nằm sâu trong ngách 70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội đêm 12/9 đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về cả người và tài sản với con số thương vong thống kê sơ bộ sáng 13/9 đã lên tới hàng chục người. Một lần nữa, những cảnh báo về hỏa hoạn từ các công trình xây dựng, nhất là nhà ở riêng lẻ, chung cư mini lại tiếp tục được báo động.

Ngay trong sáng 13/9, Ban quản lý Tòa nhà ICID Complex Khu đô thị Lê Trọng Tân, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội đã phát đi thông báo tăng cường biện pháp an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy và cứ hộ cứu nạn; trong đó có lưu ý các hộ dân về khu vực xe điện. 

Ban quản lý tòa nhà này cho biết, hiện khu vực xe điện đang được bố trí khá biệt lập và ở ngay gần bốt trực của bảo vệ nhưng sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra thường xuyên từng vị trí xe điện khi sạc và khuyến cáo người dân thấy pin đầy hoặc có tình trạng nóng phải chủ động rút dây sạc hoặc báo nhân viên an ninh hỗ trợ xử lý. 

Tương tự, trên các diễn đàn, hội nhóm của các tòa nhà chung cư khác cũng cảnh báo lại về khung bảo vệ của sổ, “chuồng cọp” sắt tại ban công, lô gia; kiểm tra và không để các phương tiện xe gắn máy, ô tô trong hầm nếu bị rò rỉ xăng…

Thời gian qua, Hà Nội nổi lên nhiều vụ cháy xảy ra tại các chung cư mini. Cụ thể như cuối tháng 10/2022, vụ cháy chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đã khiến lực lượng chức năng phải điều động 4 xe chữa cháy cùng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường dập lửa, giải cứu 11 người. 

Hay như tháng 3/2023, cũng chính tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân xảy ra vụ cháy chung cư mini số 315 Vũ Tông Phan khiến hơn 170 người đang sinh sống tại tòa nhà này phải tháo chạy trong hoảng loạn. Tiếp đó, tháng 5/2023 cũng xảy ra vụ cháy tại tầng 3 của một chung cư mini trong ngách 20, ngõ 426 Đường Láng (quận Đống Đa) khiến nhiều cư dân vội vã tháo chạy. 

Trong những năm gần đây, ở Hà Nội, TP HCM… xuất hiện loại hình nhà ở nhiều căn hộ thường được gọi là chung cư mini. Các khu nhà này được xây dựng với diện tích nhỏ, quy mô từ 5 đến 10 tầng, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư. Giá rẻ là yếu tố cơ bản để các chung cư mini hút khách dù nhiều người cũng nhận thấy yếu tố an toàn phòng cháy bị xem nhẹ.

Các chuyên gia nhận xét, suốt thời gian qua, mô hình chung cư mini mọc lên như nấm nhưng đang có rất nhiều bất cập; trong đó, khâu phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm, gây ra nhiều nguy hiểm cho những người dân sống loại hình nhà ở này.

Từ năm 2020, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở nhưng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng...

Đồng thời, yêu cầu các địa phương chủ động giải quyết vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình nhà ở trên địa bàn.

Cùng đó, để thắt chặt quản lý loại hình chung cư mini, đảm bảo điều kiện an toàn cháy nổ, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản; trong đó có văn bản số 3003/SXD-QLN về việc thống kê số lượng chung cư mini trên địa bàn thành phố; đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thống kê chính xác số lượng loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường được gọi là “chung cư mini”) trên địa bàn quản lý trong đó có bao nhiêu trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở để tổng hợp báo cáo thành phố.

Theo Bộ Xây dựng, trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định dạng căn hộ có diện tích tối thiểu 30 m2, khép kín, đáp ứng được các yêu cầu về nhà chung cư sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sở hữu cho từng căn hộ.

Tuy nhiên, trên thực tế, do ham lợi nhuận nên các chủ đầu tư phần lớn đều cho xây dựng chung cư mini vượt tầng cao, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy nên số lượng chung cư mini được cấp sổ đỏ cho từng căn hộ mới trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sai phạm tại những công trình này đang tồn tại dưới một số dạng như: xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng… rồi tự do mua bán, chuyển nhượng. 

Bộ Xây dựng đã từng cảnh báo, điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó là nguy cơ về quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do công trình vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán…

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận xét, trong hơn 10 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, đã nở rộ tình trạng xây dựng chung cư mini với nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, quận nội thành. Việc nở rộ chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát và nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”.

Bởi theo ông Châu, Luật Nhà ở 2014, tại Điều 46, đã cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín… Quy định này đã dẫn đến tình trạng phát triển loại nhà chung cư mi ni, “chung cư hộp diêm” làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị; trong đó có yếu tố mất an toàn về phong cháy chữa cháy -  ông Châu phân tích.

Theo Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nếu một chung cư mini được xây dựng trong khu dân cư vốn đã đông đúc sẽ kéo theo áp lực dân số tăng lên và hàng loạt các hệ lụy về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ…

“Mặc dù chúng ta luôn cố gắng để khống chế mật độ công trình, số lượng cư dân tại các khu đô thị để đảm bảo phục vụ tốt những nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên tại địa bàn các quận nội thành, thực trạng nhiều chung cư mini mọc lên khiến quy hoạch chung bị phá vỡ khi một ngõ nhỏ có tới hàng chục hộ gia đình cùng sinh sống” – ông Nghiêm dẫn chứng.

Và trên thực tế, ghi nhận từ những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua cho thấy các bất cập này đã được minh chứng bằng những hệ quả cụ thể. Nhất là việc những tòa nhà diện tích hẹp được chất cao tầng, tập chung đông người sinh sống nhưng khi xảy ra hỏa hoạn thì lối thoát hiểm không đáp ứng; đường vào sâu, chật hẹp khiến lực lượng cứu hộ và thiết bị chữa cháy khó khăn trong tiếp cận hiện trường...

Để khắc phục tình trạng phát triển chung cư mini tràn lan, bất chấp quy định của pháp luật, theo ông Nghiêm, cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng. Đặc biệt đưa ra khái niệm chuẩn xác về chung cư mini trong những văn bản quy phạm pháp luật; xác định rõ khu vực nào được xây dựng, khu vực nào không được xây dựng, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Thu Hằng