An Quý Hưng, công ty mẹ của Vinaconex, có Tân Tổng Giám đốc sinh năm 1994
Công ty TNHH An Quý Hưng được biết đến chủ yếu qua thương vụ mua lại 255 triệu cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), tương ứng tỉ lệ sở hữu 57,71%, trị giá 7.366 tỉ đồng cuối năm ngoái.
Theo giấy đăng kí kinh doanh cấp đổi ngày 22/2 năm nay, An Quý Hưng có sự thay đổi đáng chú ý về nhân sự cấp cao. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Đông – người làm Tổng Giám đốc và đại diện theo pháp luật của An Quý Hưng trong thời gian công ty này thâu tóm Vinaconex đã không còn nắm giữ chức vụ này nữa.
Người thay ông Đông làm Tổng Giám đốc An Quý Hưng là ông Nguyễn Xuân Tùng. Ông Tùng sinh tháng 2/1994, thường trú tại Khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Đông (sinh năm 1966, hơn ông Tùng 28 tuổi) cũng có địa chỉ thường trú tại Khu đô thị trên.
Ông Nguyễn Xuân Tùng (thứ 4 từ phải sang) trong một sự kiện của An Quý Hưng. Ảnh: anquyhung.com
Ông Nguyễn Xuân Tùng (thứ ba từ trái sang, hàng đầu tiên) trong một sự kiện ngày 27/12/2018. Ảnh: anquyhung.com
Trong một sự kiện tổ chức sáng 27/12/2018, ông Nguyễn Xuân Đông được giới thiệu là Chủ tịch Hội đồng thành viên còn ông Nguyễn Xuân Tùng được giới thiệu là Quyền Tổng Giám đốc của An Quý Hưng. Như vậy có thể thấy ông Đông đã bắt đầu chuyển giao quyền lực Tổng Giám đốc cho ông Tùng từ cuối năm 2018.
Sau khi An Quý Hưng sở hữu đa số cổ phần tại Vinaconex, ông Đông cũng trở thành Tổng Giám đốc của Tổng công ty này. Theo báo cáo tình hình quản trị năm 2018 của Vinaconex, ông Đông có 4 người con, hai trai – hai gái trong đó có một người con trai mang tên Nguyễn Xuân Tùng.
Hiện chưa có căn cứ để khẳng định ông Nguyễn Xuân Tùng – Tân Tổng Giám đốc An Quý Hưng và con trai của ông Nguyễn Xuân Đông có phải cùng một người hay không.
Nói về Vinaconex, công ty con của An Quý Hưng, thời gian gần đây xảy ra xung đột gay gắt liên quan đến vấn đề nhân sự.
Cụ thể, cuối tháng 3 vừa qua, Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa (Hà Nội) đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với "Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông" của Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (đại diện theo pháp luật là ông Vũ Xuân Cường) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (đại diện theo pháp luật là ông Đặng Thế Anh Đức).
Cụ thể, yêu cầu của hai đơn vị này với nội dung: Buộc Vinaconex (đại diện pháp luật là ông Nguyễn Xuân Đông - người đồng thời là Chủ tịch HĐTV của An Quý Hưng) tạm dừng nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường số 01/2019 ngày 11/1/2019 của Vinaconex đến khi có bản án, quyết định của Tòa án.
Sau khi xem xét các chứng cứ tài liệu liên quan, tòa án thấy rằng cần thiết phải tạm dừng nghị quyết đại hội đồng cổ đông nói trên. Trước đó, đại hội đồng cổ đông bất thường của Vinaconex ngày 11/1 đã thông qua việc bầu cử danh sách thành viên HĐQT mới gồm 7 thành viên cho nhiệm kỳ 2017 - 2022. Đại hội tháng 1 cũng thông qua danh sách 5 thành viên Ban kiểm soát.
Vinaconex sau đó có văn bản cho rằng, quyết định này của tòa có hiệu lực và ngay lập tức đình chỉ toàn bộ hoạt động của HĐQT, BKS của Vinaconex, làm đình trệ hoạt động của Công ty, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
Vì vậy, Vinaconex yêu cầu các bên có liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông đối với các tổn thất do ảnh hưởng tiêu cực từ việc thực hiện Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bao gồm cả việc giảm giá cổ phiếu sau khi quyết định này được công bố theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3, cổ phiếu VCG của Vinaconex giảm kịch sàn sau thông tin từ Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa, vốn hóa bốc hơi khoảng 1.236 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong quyết định trả lời khiếu nại của Vinaconex, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa khẳng định việc buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 cho đến khi có quyết định cuối cùng của Tòa là phù hợp với quy định của pháp luật và cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người yêu cầu và các cổ đông của Vinaconex và để tránh các hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông.
Với nhận định này, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa xác định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày ngày 27/3, dừng thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex ngày 11/1 về việc bầu 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban Kiểm soát là có căn cứ pháp luật. Từ đó, TAND quận Đống Đa đã bác đơn khiếu nại của Vinaconex.
Chiều ngày 1/4 vừa qua, Vinaconex tổ chức cuộc gặp mặt và thông tin bất thường liên quan đến bất đồng của nhóm cổ đông và quyết định của Tòa án.
Buổi gặp mặt và cung cấp thông tin của Vinaconex ngày 1/4. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam.
Cuộc họp bất thường do ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT (theo Nghị quyết đã bị dừng thực hiện) và ông Dương Văn Mậu chủ trì, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông vắng mặt vì dang đi công tác. Cuộc họp có sự tham dự của nhiều cổ đông và đại diện các cơ quan báo chí.