|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

AMRO: Kinh tế khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021

13:52 | 31/03/2021
Chia sẻ
Ngày 31/3, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã công bố Báo cáo Tầm nhìn Kinh tế Khu vực ASEAN+3 năm 2021 (AREO 2021).
AMRO: Kinh tế khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 - Ảnh 1.

AREO 2021 dự báo nhóm nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 7,2% trong năm 2021. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Trong đó, đưa ra dự báo tăng trưởng trong năm 2021 của khu vực ASEAN+3 (bao gồm ASEAN và ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) sẽ ở mức 6,7% và đạt mức 4,9% trong năm 2022, sau khi giảm nhẹ 0,2% trong năm 2020.

Ở cấp độ nhóm nhỏ hơn, AREO 2021 dự báo nhóm nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 7,2% trong năm 2021, trong khi nhóm nước ASEAN được dự kiến tăng trưởng 4,9% trong năm nay. AMRO dự báo trong năm 2021, Myanmar sẽ là nước duy nhất có sự suy giảm kinh tế, với mức giảm dự kiến là 2,6%, trong khi Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN+3 (tăng 8,7%).

Báo cáo của AMRO nhận định sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và xuất khẩu, cùng với những sự hỗ trợ từ các chính sách kinh tế tích cực được dự báo sẽ là yếu tố định hướng cho sự tăng trưởng của khu vực ASEAN+3. Việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng cũng sẽ làm “bình thường hóa” hơn nữa các hoạt động kinh tế và cải thiện các điều kiện của thị trường lao động. Sự "quay trở lại” dần dần từng bước của ngành du lịch sẽ mang lại lợi ích cho hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt là Campuchia, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan.

Khu vực ASEAN+3 chiếm khoảng 30% dân số thế giới nhưng hiện tại chỉ khoảng 3% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là thuộc khu vực này. Báo cáo của AMRO cũng cho rằng các nền kinh tế khu vực ASEAN+3 đã thể hiện được sự phục hồi trước những tác động của đại dịch COVID-19 nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

Cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua hoạt động tiêm chủng vaccine trên diện rộng thì việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 vẫn tiếp tục là điều cần thiết.

Theo nhà kinh tế trưởng Hoe Er Khor của AMRO, khi chính phủ các nước có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xử lý lây nhiễm dịch bệnh thì những biện pháp mục tiêu mang tính quyết định, có hiệu quả và chủ động sẽ cho phép các nền kinh tế hạn chế tối đa các thiệt hại về con người đồng thời cho phép hoạt động kinh tế tiếp tục diễn ra.

Báo cáo AREO 2021 nhận định rằng tiến trình phục hồi của khu vực ASEAN+3 vừa có những thách thức nhưng cũng chứa đựng những cơ hội. Một số phân khúc sẽ phục hồi nhanh chóng, với sự thay đổi trong sản xuất và xuất khẩu và áp dụng công nghệ mới.

Trong khi đó, những ngành nghề khác sẽ vẫn chịu áp lực và phải thích nghi với thực tế mới. Triển vọng công ăn việc làm cũng sẽ khác nhau, với những người lao động trong một số ngành dịch vụ có sự tiếp xúc trực tiếp với con người, những người làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ hơn và trong các khu vực phi chính thức là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Trong khi đó, lĩnh vực tài chính dường như đang đi trên “con đường kép”. Một mặt, các thị trường tài chính đã có sự tăng vọt kể từ quý I/2020, nhờ những gói kích thích chính sách chưa từng có cùng với sự phát triển của các loại vaccine ngừa COVID-19.

Mặt khác, đại dịch COVID-19 cũng đã làm suy yếu đáng kể cân đối thu chi đối với cả khu vực công và tư nhân. Những hỗ trợ chính sách chưa từng có đã phải trả giá bằng các khoản nợ công cao hơn, trong khi các cú sốc đối với thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến khả năng chi trả nợ của họ và làm tăng rủi ro tín dụng cho các ngân hàng.

Theo AMRO, việc hoạch định chính sách tài chính vĩ mô sẽ phải chuyển dần từ việc bảo vệ tính mạng người dân và sinh kế của họ sang việc bảo vệ cho sự phục hồi toàn diện và bền vững. Sự kết hợp của các biện pháp tiền tệ, tài khóa và tài chính đã diễn ra nhanh chóng, đáng kể và sâu rộng vào năm 2020. Với sự thay đổi kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu lên kế hoạch chuyển đổi từ những hành động đối phó với cuộc khủng hoảng bất thường này bằng việc triển khai tiêm chủng.

Để làm được như vậy, việc hoạch định chính sách thành thạo và mở rộng, vừa từ từ từng bước, vừa có sự phối hợp và truyền đạt thông tin tốt sẽ là yếu tố quan trọng nhằm tránh các tác động đột ngột. Theo bà Li Lian Ong, trưởng nhóm giám sát khu vực và tài chính của AMRO, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra nhưng không có gì là đảm bảo chắc chắn, do vậy, điều quan trọng hơn bao giờ hết là đảm bảo rằng động lực “không bị chùn bước”.

Báo cáo AREO 2021 nhấn mạnh rằng lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu vẫn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng trong khu vực ASEAN+3. Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ yếu tố “dễ bị tổn thương” của các chuỗi giá trị toàn cầu, gây ra nhiều vấn đề đáng kể khi các biện pháp phong tỏa diễn ra, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho sự thay đổi nhanh chóng của khu vực. Quan trọng hơn, theo ông Khor, các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ không “bị tái cấu trúc ra khỏi châu Á” và châu Á vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.

Báo cáo AREO 2021 cũng nêu bật một điểm sáng đáng chú trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là quá trình số hóa trong khu vực ASEAN+3. Khi người dùng ngày càng trở nên thoải mái hơn với các công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số sẽ là yếu tố then chốt trong việc tăng cường chuỗi cung ứng và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu.

Do đó, khu vực ASEAN+3 có cơ hội rất lớn để nâng cấp và củng cố vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ thúc đẩy sự cởi mở hơn mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, việc triển khai đầy đủ các công nghệ mới cần phải có sự kết hợp của các hệ thống cơ sở hạ tầng "cứng" và "mềm" và điều này đòi hỏi có sự hợp tác song phương và đa phương mạnh mẽ.

Thế Vũ