|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Amazon vẫn chưa chốt thời điểm vào Việt Nam

22:00 | 17/10/2019
Chia sẻ
Lập đội ngũ chuyên hỗ trợ cho người bán hàng nhưng đại diện Amazon nói "chưa chốt thời điểm mở thị trường cho người mua Việt Nam".

Thông tin trên được ông Bernard Tay đưa ra tại buổi thành lập đội ngũ chuyên trách, hỗ trợ bán hàng trên thị trường quốc tế cho người bán hàng Việt Nam hôm nay (17/10). Ông Bernard Tay là Giám đốc phụ trách Dịch vụ khách hàng Amazon Singapore và Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Australia và New Zealand.

"Chúng tôi không thể chia sẻ kế hoạch cụ thể khi nào mở thị trường cho người mua ở Việt Nam. Tuy nhiên, tại Singapore 2 năm trước, chúng tôi thử nghiệm một dịch vụ rất nhỏ (Primenow), đến nay đã mở trang cho người mua đầy đủ, với các lựa chọn mua sắm trên các công cụ khác nhau", Bernard nói.

Tại Đông Nam Á, Amazon mới chỉ có trang thương mại điện tử tại Singapore – vừa ra mắt hồi tháng 8. Sếp Amazon tin rằng, sẽ có cơ hội mở rộng thị trường ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Amazon vẫn chưa chốt thời điểm vào Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Bernard Tay phát biểu tại sự kiện sáng 17/10. Ảnh: AGS

Việc lập đội ngũ chuyên trách tại Việt Nam, Bernard Tay nhận định đây là cột mốc quan trọng của Amazon tại Đông Nam Á và Việt Nam. Đội ngũ này nhằm hỗ trợ người bán hàng ở Việt Nam vì nhận thấy nhiều tiềm năng, trong đó 90% doanh nghiệp ở Việt Nam là vừa và nhỏ (SME) với nhu cầu bán hàng lớn, bên cạnh ưu thế về các ngành sản xuất.

Không nói cụ thể số lượng, Bernard cho biết, hiện đội ngũ chuyên trách này trong giai đoạn đầu xây dựng nên vẫn còn nhỏ, sắp tới sẽ được mở rộng thêm.

Bernard tiết lộ, các mặt hàng của người Việt như thủ công, may mặc, da giày, tiêu dùng... đang được bán tốt trên Amazon. Thông qua Amazon Global Selling, doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng trực tiếp đến 300 triệu tài khoản người mua tại nhiều thị trường quốc tế của Amazon. 

"Nếu các bạn có thể đầu tư vào sản phẩm, xây dựng thương hiệu của mình, chắc chắn sẽ tìm được thêm người mua khi Amazon hiện diện tới 185 quốc gia", ông chia sẻ.

Theo bà Bùi Kim Thúy, chủ một đơn vị may mặc đã có doanh thu từ Amazon, để bán hàng trên nền tảng này không dễ dàng, điều kiện khắt khe. Amazon kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Bà Thúy cho rằng, khó khăn mà nhiều doanh nghiệp SME tiếp cận thương mại điện tử là thiếu kỹ năng, kiến thức để bán hàng trên nền tảng này, đội ngũ nhân sự chưa hoàn thiện, vốn ít. Cùng với đó, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, khiến doanh nghiệp dễ bán hàng không đúng nhu cầu của khách.

"Cùng là sản phẩm may mặc nhưng thị trường Việt Nam ưa kiểu dáng, hoa văn thế này nhưng với Mỹ lại khác, có thể là đơn giản hơn. Doanh nghiệp Việt phải đầu tư thời gian nghiêm túc nghiên cứu kỹ năng bán hàng trên thương mại điện tử" bà Thúy cho hay.

Nhìn nhận doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội xuất khẩu nhưng Phó cục trưởng Xúc tiến Thương mại (Vietrade) Hoàng Minh Chiến cũng đưa ra ba lưu ý cho doanh nghiệp khi tham gia vào sân chơi thương mại điện tử toàn cầu hiện nay.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần tạo ra sản phẩm thực sự chất lượng, có tính đặc thù riêng, để được người tiêu dùng khó tính ở nước ngoài chấp nhận. Ông Chiến cho rằng, đây là điều kiện cốt lõi để bán hàng ra nước ngoài.

Thứ hai, khi tham gia môi trường thương mại điện tử, cần phải quảng bá được chất lượng sản phẩm, đưa ra nhận diện thương hiệu, giới thiệu thực sự hấp dẫn, đánh trúng vào nhu cầu của người tiêu dùng. 

Cuối cùng, doanh nghiệp phải tự trau dồi thêm các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật liên quan đến thương mại điện tử.

Gần đây, Amazon Global Selling và Vietrade đã lựa chọn 100 doanh nghiệp tiềm năng để tập huấn kỹ năng,  tư vấn chuyên sâu về cách bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử này. 

Đồng thời, các đơn vị cũng được hỗ trợ phát triển thương hiệu và sản phẩm trong môi trường thương mại điện tử thế giới.

Anh Tú