Amata tăng ngân sách hoạt động tại Việt Nam lên gần 2.300 tỉ đồng xây KCN thứ tư và phát triển năng lượng tái tạo
Tổng Giám đốc Amata Việt Nam, bà Somhatai Panichewa, cho biết dự án tiếp theo sẽ là một khu công nghiệp xanh theo chính sách của chính phủ Việt Nam, theo Bangkok Post.
Đối với nhà phát triển công nghiệp Thái Lan Amata, Việt Nam đã trở thành một điểm đến đầu tư nóng bỏng ở Đông Nam Á.
Amata Việt Nam là công ty con của Amata Corporation, sở hữu 73% cổ phần. Cả hai công ty đều được niêm yết trên thị trường chứng khoán Thái Lan.
Được thành lập vào năm 1994, Amata Việt Nam đang phát triển ba khu công nghiệp tại Việt Nam gồm Amata Biên Hòa, Amata Long Thành và Amata Hạ Long. Đây là nhà phát triển công nghiệp nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam.
Hai thành phố Biên Hòa và Long Thành nằm ở phía Nam Việt Nam, còn Hạ Long nằm ở khu vực phía Bắc.
Amata Việt Nam đang nghiên cứu tính khả thi của việc lập khu công nghiệp thứ tư tại tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam, trên 112 ha.
Bà Somhatai Panichewa, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Amata Việt Nam, cho biết công ty đang hợp tác với các công ty Nhật Bản và Singapore để thực hiện nghiên cứu khả thi theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.
"Chính phủ Việt Nam đang kêu gọi các công ty nước ngoài mở rộng và đầu tư, đặc biệt là tại Quảng Trị, tỉnh nghèo nhất nước", bà nói. "Chính phủ hy vọng sẽ đưa dòng vốn đầu tư mới vào khu vực trung tâm để tạo việc làm", Bangkok Post dẫn lời bà Somhatai.
Bà Somhatai cho biết tỉnh Quảng Trị có thể kết nối các khu vực phía Bắc và phía Nam Việt Nam.
"Thông tin chi tiết về dự án sẽ được hoàn chỉnh trong năm nay," bà nói. "Dự án một khu công nghiệp mới của Amata Việt Nam sẽ kết hợp giữa khu sản xuất, thương mại và khu dân cư."
Bà cho biết dự án sẽ là một khu công nghiệp xanh phù hợp với chính sách phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường của Chính phủ Việt Nam.
Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng trưởng GDP hàng năm là 6 - 8%. "Việt Nam là một quốc gia hấp dẫn về đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì các ưu đãi của chính phủ bao gồm miễn giảm tiền thuê đất cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp ", bà Somhatai nhận xét.
Khu công nghiệp ở Việt Nam là nơi Amata rất muốn mở rộng ở khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng sân bay quốc tế Long Thành và một cảng biển mới để kết nối với hành lang kinh tế Đông Tây, còn được gọi là tuyến R9, và phục vụ Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar.
Amata sẽ tăng ngân sách hoạt động tại Việt Nam lên gần 2.300 tỉ đồng
Bà Somhatai cho biết Amata Việt Nam sẽ tăng ngân sách phát triển năm 2020 cho các khu công nghiệp tại Việt Nam từ 3 tỉ baht (khoảng 2.280 tỉ đồng) được phân bổ cho năm 2019.
Công ty có giấy phép phát triển 3.200 ha tại ba khu công nghiệp và có thêm 2.560 ha đang chờ giấy phép.
Bà cho biết Amata Biên Hòa đang có được giấy chứng nhận đầu tư cho sự phát triển mới và đang thảo luận với các khách hàng tiềm năng cho các khu vực thương mại.
Trong khi đó, Amata Long Thành và Thành phố Amata Hạ Long bắt đầu việc xây dựng trước khi giải phóng mặt bằng. Công ty đặt kế hoạch phát triển và hoạt động tiếp thị vào năm 2019, kì vọng sẽ có doanh thu vào năm 2020.
Đối với Long Thành, Amata Việt Nam đang phát triển 480 ha và dự kiến doanh số sẽ bắt đầu vào quý I/2020, bà Somhatai cho biết.
"Năm 2019, chúng tôi sẽ dành khoảng 19,2 - 20 ha bán cho các công ty từ Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc," bà nói. "Amata Việt Nam dự kiến doanh thu năm 2019 sẽ tăng 10% từ 1,17 tỉ baht (888 tỉ đồng) trong năm 2018 từ ba loại hình kinh doanh là bán bất động sản, dịch vụ tiện ích và phí cho thuê."
Ngoài ra, Amata Việt Nam có kế hoạch phát triển mái nhà năng lượng mặt trời và trang trại gió tại Việt Nam để hỗ trợ phát điện cho khách hàng ở ba khu công nghiệp.
Bà Somhatai cho biết dự án điện thí điểm đang ở trụ sở chính và có công suất 1 MW. Amata Việt Nam đang nghiên cứu kết quả và sẽ phác thảo kế hoạch phát điện trong tương lai tại ba khu công nghiệp.