Ai đang sở hữu Vietbank?
Ma trận và những DN ‘kiến hóa voi’ xung quanh cá nhân 22 tuổi chi 66 tỉ đồng mua cổ phần ngân hàng của bầu Kiên |
Tòa nhà Lim II tại 62A Cách mạng Tháng 8, phường 6, quận 3, TP HCM (Nguồn: Vietbank) |
Cổ đông sáng lập Vietbank "người thoái, người mua"
Được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ 200 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank - Mã: VBB) đi lên từ một ngân hàng nông thôn, với những cổ đông sáng lập liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm), trước đây là CTCP Ô tô - Xe máy do Chủ tịch Vietbank Dương Ngọc Hòa sáng lập. Ông Hòa từng là Giám đốc Hoa Lâm, hiện nay vợ ông - bà Trần Thị Lâm là người đứng đầu Tập đoàn.
Nhóm Ngân hàng ACB được biết đến là ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) – nguyên Phó Chủ tịch ngân hàng ACB và vợ Đặng Ngọc Lan – nguyên Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng ACB.
Hiện cả hai nhóm cổ đông này vẫn đang nắm lượng lớn cổ phiếu tại Vietbank. Trong khi đó, Công ty TNHH XD TM Diệu Hiền đồng sáng lập Vietbank hiện không có thông tin chính thức nào về tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng còn bao nhiêu.
Công ty Diệu Hiền đình đám một thời khi gắn liền với tên tuổi của nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền - “chúa chổm” với những khoản nợ hàng nghìn tỉ đồng hơn 10 nhà băng, hàng chục người nông dân và đối tác vào những năm 2012.
Theo thông tin gần nhất người viết tìm hiểu được, tính đến năm 2013, Công ty Diệu Hiền có vốn điều lệ 247,5 tỉ đồng, do ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty làm đại diện pháp luật. Tuy nhiên người nắm sở hữu đa số lại là ông Phạm Hữu Thường với 70%.
Cơ cấu cổ đông Công ty TNHH XD TM Diệu Hiền
Quay trở lại với nhóm Ngân hàng ACB sáng lập Vietbank, nổi tiếng với vợ chồng bầu Kiên – Đặng Ngọc Lan. Hiện bầu Kiên đang vướng vào vòng lao, tuy nhiên ông vẫn giữ lượng lớn cổ phần tại Vietbank. Vào đầu năm nay, nhóm bầu Kiên nắm sở hữu khoảng 48,56 triệu cổ phiếu Vietbank, chiếm tỉ lệ sở hữu gần 14,95% vốn điều lệ. Trong đó, bà Lan nắm nhiều nhất với 14,97 triệu cp (4,608%); bầu Kiên nắm 6,6 triệu cp (2,035%).
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, các cổ đông của nhóm bầu Kiên liên tục đăng ký chuyển nhượng cổ phần Vietbank. Kết quả có ba người đã thoái thành công toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Vietbank gồm bà Nguyễn Thúy Lan (em gái bầu Kiên), ông Đào Văn Kiên (em rể) và bà Nguyễn Thúy Hương (em gái) với tỷ lệ lần lượt 2,05%; 1,93% và 2,03%.
Trong khi đó, vợ chồng bầu Kiên liên tục thoái bất thành. Lần đăng ký gần nhất, bầu Kiên thoái toàn bộ 6,6 triệu cp Vietbank từ ngày 6/12/2018 đến 6/1/2019. Đồng thời, bố mẹ vợ bầu Kiên cũng đăng ký thoái toàn bộ gần 7,5 triệu cp từ ngày 19/12/2018 đến 19/1/2019.
(TV Tổng hợp) |
Ngược lại với động thái rút lui sở hữu của nhóm bầu Kiên thì với vai trò tối cao tại Vietbank khi nắm giữ ghế Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT, gia đình ông Dương Ngọc Hòa (hay nhóm cổ đông Tập đoàn Hoa Lâm) vẫn giữ nguyên sở hữu và thậm chí có thêm người liên quan mua vào cổ phần trong đợt tăng vốn mới đây của ngân hàng.
Cụ thể, thời điểm trước tăng vốn vào cuối tháng 9, gia đình ông Hòa nắm giữ khoảng 44 triệu cổ phiếu Vietbank, tương đương 13,54% vốn điều lệ.
Cụ thể, thời điểm trước tăng vốn vào cuối tháng 9, gia đình ông Hòa nắm giữ khoảng 44 triệu cổ phiếu Vietbank, tương đương 13,54% vốn điều lệ.
(TV Tổng hợp) |
Điểm đáng chú ý vào cuối tháng 8, Tập đoàn Hoa Lâm bất ngờ giảm vốn điều lệ từ 503,5 tỉ xuống còn 300 tỉ đồng. Chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn do ông Phan Văn Anh (sinh năm 1970) nắm giữ.
Ông Phan Văn Anh hiện còn là Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Phát triển THT Hoa Lâm có vốn điều lệ 441,2 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là Kinh doanh nhà ở, dịch vụ thuê kho, cho thuê văn phòng, cho thuê nhà xưởng, kinh doanh BĐS.
Điểm đáng lưu ý là công ty này mới thành lập ngày 30/7 và trụ sơ tại 62A Cách Mạng Tháng Tám, phường 6, quận 3, TP HCM – cùng thời điểm thành lập và trụ sở với Công ty TNHH Đầu tư THT Phú Trí và Công ty TNHH Đầu tư NDC Phú Trí do cá nhân sinh năm 1994 Nguyễn Phan Hoài Hiệp (người vừa chi 66 tỉ đồng mua cổ phần phát hành của Vietbank) làm Chủ tịch.
Ngoài ra, ông Phan Văn Anh từng là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển 29A Hoa Lâm vốn 203,5 tỉ đồng, mới thành lập vào ngày 18/8. Công ty này có cùng ngành nghề kinh doanh với Đầu tư Phát triển THT Hoa Lâm.
Hồi tháng 11, công ty chuyển sang chủ mới là CTCP Bảo Trí Invest (doanh nghiệp trong bài viết trước chúng tôi đã đề cập có liên quan đến cá nhân 9x Nguyễn Phan Hoài Hiệp, mới thành lập vào tháng 10 với vốn 20 tỉ đồng, chỉ sau 1 tháng vốn tăng vọt lên 2.243 tỉ đồng). Đến ngày 12/12, Đầu tư Phát triển 29A Hoa Lâm đổi Chủ tịch sang ông Đỗ Nhật Anh (sinh năm 1990) – cũng đang là Chủ tịch của Bảo trí Invest.
Mục đích tăng vốn thật sự của Vietbank là gì?
Có thể thấy, mối quan hệ giữa những công ty và cá nhân liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm không đơn giản, rất nhiều công ty mới thành lập trong năm nay, cũng là năm mà Vietbank thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 1.007 tỉ đồng, lên 4.256,2 tỉ đồng.
Vietbank vừa hoàn tất tăng vốn hôm 17/12. |
Mục đích tăng vốn được HĐQT ngân hàng công bố là dành 507 tỉ đồng để kinh doanh, đầu tư trái phiếu, duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật; ngoài ra 500 để mua tòa nhà Lim II tại số 62A CMT8, phường 6, quận 3.
Được biết tòa nhà Lim II do Công Ty TNHH TM - DV Chợ Đũi (vốn điều lệ 100 tỉ đồng) làm chủ đầu tư. Theo cơ cấu cổ đông mới cập nhật đến tháng 5/2018, Tập đoàn Hoa Lâm đã chuyển 1% vốn sở hữu tại Chợ Đũi sang cho Công ty TNHH Lương Thạch, còn lại Công ty TNHH BĐS Nhất Khang sở hữu 99% - cả hai công ty này đều có cùng trụ sở tại Tòa nhà Lim I (số 2 Thi sách, phường Bến Nghé, quận 1). Trước đây bà Trần Thị Lâm (vợ Chủ tịch Vietbank) từng làm Chủ tịch Chỡ Đũi, sau đó đã chuyển sang cho bà Nguyễn Thị Kim Phượng.
Tại BĐS Nhất Khang, người viết tìm hiểu Tập đoàn Hoa Lâm từng là cổ đông lớn sở hữu 10%, bên cạnh một cá nhân liên quan khác là bà Dương Như Huệ nắm 49% vốn. Sau nhiều lần thay đổi cổ đông và vốn điều lệ, đến nay, BĐS Nhất Khang vốn chỉ còn 20 tỉ đồng do hai cá nhân Nguyễn Anh Điệp và Nguyễn Thị Kim Phượng nắm lần lượt 40% và 60%.
Những lần thay đổi cổ đông và vốn điều lệ BĐS Nhất Khang
(TV Tổng hợp) |
Còn Công ty Lương Thạch thành lập vào tháng 3/2017 vốn 10 tỉ đồng, ngành nghề là đại lý xổ số do cá nhân tên Nguyễn Lương Thạch (sinh năm 1991) sở hữu 80% vốn, làm Chủ tịch HĐTV.
Ngày 18/1/2019, Vietbank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để họp các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông. Rất trùng hợp, đây cũng là thời điểm mà nhóm cổ đông bầu Kiên dự kiến hoàn tất việc thoái vốn đã đăng ký.
Liệu sắp có một sự “thay máu” trong cơ cấu cổ đông sáng lập Vietbank sau đại hội này? Mục đích tăng vốn để mua tòa nhà Lim II do những tổ chức liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm sở hữu cũng rất đáng quan tâm.
Cũng lưu ý rằng, giá mua tòa nhà Vietbank công bố là 1.400 tỉ đồng. Ngày 31/5/2018, Vietbank và Chợ Đũi đã ký hợp đồng đặt cọc. Theo đó, trong vòng 12 tháng hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng dự án. Dấu hỏi lớn ở đây là cơ sở nào Vietbank đưa ra giá mua 1.400 tỉ đồng, trong bản cáo bạch phát hành cổ phiếu, ngân hàng không đề cập đến căn cứ định giá cho tòa nhà này.
Xem thêm |