Agriseco gợi ý 6 cổ phiếu tiềm năng cho tháng 4
Thị trường trong tháng 3 xuất hiện nhiều tin tức tốt xấu đan xen khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Điều này thể hiện ở thanh khoản bình quân phiên trên toàn thị trường đạt khoảng 10.500 tỷ đồng, giảm 10% song về mặt điểm số, VN-Index vẫn tăng 4% so với tháng trước.
Điểm sáng là dòng vốn khối ngoại, đặc biệt là các quỹ ETF (Fubon, Xtrackers, …) quay trở lại mua ròng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Bước sang tháng 4, nhiều thách thức từ cả trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu bao gồm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại (GDP quý I chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, là mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2011 - 2023, rủi ro hệ thống ngân hàng tại Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, thị trường cũng có nhiều tín hiệu tích cực từ các chính sách mới được ban hành như Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến Luật Đất đai.
Sau quá trình nghiên cứu và chọn lọc, Agriseco Research đưa ra danh mục đầu tư tháng 4, trong đó ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp đầu ngành, tài chính lành mạnh, kết quả kinh doanh quý I, bán niên dự kiến cải thiện hoặc có câu chuyện tăng trưởng giai đoạn tới và đang có mức định giá phù hợp.
C4G
Thông tin hỗ trợ ngắn hạn cho doanh nghiệp bao gồm:
(1) C4G tiếp tục trình kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE hoặc HNX (dời từ năm 2022 qua 2023 do chưa lựa được thời điểm thích hợp);
(2) Trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 6% và phát hành cổ phiếu tăng vốn tỷ lệ 2:1 để thanh toán các khoản công nợ phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nhà thầu phụ và Ngân hàng, cũng như bổ sung vốn lưu động nhằm giúp gia tăng tài chính.
DBC
Kỳ vọng giá lợn hơi chạm đáy và bắt đầu phục hồi.
Lãi sau thuế năm 2023 đặt mục tiêu đạt 569 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần con số đã đạt được trong năm 2022 (5 tỷ đồng). Phần điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận từ bất động sản trong năm 2022 có thể được DBC chuyển sang ghi nhận trong năm 2023 qua đó hỗ trợ kết quả kinh doanh năm nay.
Về mặt định giá, DBC đang có P/B 0,7 lần, gần như thấp nhất trong nhiều năm qua, phản ánh những khó khăn gặp phải. Với triển vọng ngành chăn nuôi và DBC có thể tốt dần lên trong năm 2023, nhóm phân tích đánh giá DBC xứng đáng với mức định giá cao hơn.
FPT
Kết quả kinh doanh quý I kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số: Dựa theo số liệu tích cực trong 2 tháng đầu năm 2023, Agriseco Research dự báo kết quả kinh doanh quý I sẽ khả quan với mức tăng trưởng doanh thu ước khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ.
Mảng công nghệ tiếp tục dẫn dắt chính động lực tăng trưởng của FPT, chủ yếu nhờ khu vực nước ngoài phục hồi như thị trường Nhật Bản, APAC. Mảng viễn thông duy trì đà tăng ổn định 7 - 10% so với cùng kỳ nhờ lượng thuê bao đăng ký mới tăng và phục hồi mảng payTV. Mảng giáo dục và đầu tư tiếp tục tăng hơn 30% nhờ lượng học sinh tăng lên và khoản đầu tư vào các công ty Base.vn, Sendo phục hồi dần.
GMD
Kỳ vọng lợi nhuận đột biến từ thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ trong năm 2023: Thương vụ bán cảng này được kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ lợi nhuận cho GMD trong bối cảnh năm 2023 được dự báo nhiều khó khăn, đồng thời tăng thêm nguồn lực đầu tư các dự án trong tương lai.
Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến triển khai cảng Gemalink giai đoạn 2 trong năm 2023 và có thể đưa dự án vào vận hành trong giai đoạn 2024 – 2025. Dự án này dự kiến giúp tăng công suất của doanh nghiệp lên gấp đôi so với hiện tại, lên mức 3 triệu TEUs.
Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 kỳ vọng đạt hiệu suất cao sau khi vận hành nhờ tiếp nhận một lượng khách sau khi chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ. Gemadept tự tin với việc có thể đạt hiệu suất cao và thậm chí có lãi ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động. Nếu thuận lợi, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 có thể được triển khai sau giai đoạn 2 giúp Nam Đình Vũ trở thành cảng lớn nhất phía Bắc.
PVP
Hưởng lợi nhờ giá cước vận tải dầu các tuyến và giá cho thuê tàu định hạn tăng cao so với cùng kỳ.
PVP đặt kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu đạt 1.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 200 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần lợi nhuận cùng kỳ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi nếu loại bỏ đi phần lợi nhuận đột biến từ thanh lý tàu Athena trong năm 2022.
LTG
Hưởng lợi từ giá gạo tăng: 3 tháng đầu năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 531 USD/tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất trong gần 2 năm qua.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo tháng 3.2023 ước đạt 480 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm đạt 952 triệu USD, tăng lần lượt 82% và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Với việc giá gạo tiếp tục xu hướng tăng và nhiều quốc gia tăng cường nhập khẩu gạo, Agriseco Research dự báo xuất khẩu gạo có thể tiếp tục tăng trưởng tích cực trong các tháng tới.
Chi phí vật tư nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt.