|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Agribank muốn được ưu ái khi tính hệ số an toàn vốn

15:11 | 08/03/2019
Chia sẻ
"Agribank kính đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho phép Agribank khi tính hệ số vốn an toàn tối thiểu (CAR) được phép tính dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ vào nhóm tài sản có rủi ro hệ số 50% thay vì 100%", Chủ tịch Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho hay.
Agribank muốn được ưu ái khi tính hệ số an toàn vốn - Ảnh 1.

Agribank muốn được ưu ái khi tính hệ số an toàn vốn

Tham luận tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen tổ chức sáng nay (8/3), ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho hay thời gian qua, Agribank đã có nhiều động thái mới nhằm thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Đầu tiên là việc đổi mới phương thức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua Tổ vay vốn.

Chủ tịch Agribank cho biết, ngân hàng này đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với các tổ chức hội, chính quyền địa phương nhằm hướng dẫn cho vay, giải ngân, thu nợ và chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, dư nợ cho vay qua tổ đạt trên 115.000 tỷ đồng với hơn 1,4 triệu tổ viên.

Thứ hai, Agribank đã thành lập Ngân hàng lưu động, trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đối với "Đề án Điểm giao dịch lưu động".

Đến nay, Agribank đã triển khai xong giai đoạn I của Đề án với 68 xe lưu động trên địa bàn 59 tỉnh thành phố, phục vụ gần 400.000 lượt khách hàng. Điểm giao dịch lưu động đã triển khai tương đối đầy đủ các dịch vụ ngân hàng như: giải ngân, thu nợ, chuyển tiền...

"Việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ sản xuất, cá nhân trong quá trình vay vốn, việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí và thời gian đi lại cho khách hàng, được chính quyền địa phương, khách hàng ủng hộ và đánh giá cao. Trong thời gian tới Agribank sẽ tiếp tục triển khai thêm 182 xe giao dịch lưu động trên toàn bộ các chi nhánh có địa bàn phù hợp", Chủ tịch Agribank Trịnh Ngọc Khánh thông tin.

Bên cạnh đó, Agribank đã dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao mà tâm điểm là chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch”. Đến nay, Agribank đã "rót" hơn 5.100 tỷ đồng với hơn 2.300 khách hàng.

Ngoài tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, Agribank cũng cấp tín dụng phục vụ tiêu dùng, đời sống. "Đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống đạt gần 220.000 tỷ đồng với trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 22% dư nợ cho vay", lãnh đạo cao nhất của Agribank cho biết.

Bên cạnh những kết quả thực tế, ông Trịnh Ngọc Khánh cũng nhấn mạnh quá trình triển khai đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, việc nắm bắt nhu cầu vay vốn cụ thể, chính đáng của người dân là khó khăn do nhu cầu của người dân thường là nhu cầu cấp bách, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng khó tiếp cận được vốn vay do không có nguồn trả nợ. Ngoài ra một số khách hàng có nhu cầu vay vốn không phù hợp theo quy định thường cung cấp thông tin không chính xác dẫn đến khó khăn trong việc thẩm định của Agribank.

Thứ hai, về lãi suất cho vay, tài sản bảo đảm đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống, tiêu dùng hợp pháp và các nhu cầu cấp thiết (khám chữa bệnh, hiếu, hỷ…), Agribank cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn rõ hơn về lãi suất cho vay đối với các nhu cầu vay vốn nói trên, điều kiện đối với khách hàng trong trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm cũng như cơ chế xử lý rủi ro đối với các khoản vay đó.

Đáng chú ý, Chủ tịch Agribank nhấn mạnh: "Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là cho vay không có tài sản đảm bảo đối với các món vay nhỏ theo Nghị định 55 thì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (hệ số CAR) của Agribank càng có xu hướng giảm và không đạt quy định".

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trên, Agribank đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách cho vay tiêu dùng riêng trong đó quy định rõ về lãi suất, tài sản bảo đảm, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng tiền vay… và có cơ chế xử lý rủi ro riêng đối với chính sách tiêu dùng nói trên.

Agribank cũng đề nghị NHNN phê duyệt triển khai giai đoạn II Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng trong thời gian tới nhằm tăng cường các xe ô tô chuyên dùng hoạt động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân dễ dàng tiếp cận vốn.

Đặc biệt, Agribank kiến nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho phép ngân hàng này khi tính hệ số vốn an toàn tối thiểu (CAR) được phép tính dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ vào nhóm tài sản có rủi ro hệ số 50% thay vì 100% (hiện nay Agribank càng cho vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP thì hệ sống CAR càng giảm).

Agribank bán đấu giá lần thứ hai khoản nợ xấu trên 700 tỉ đồngAgribank bán đấu giá lần thứ hai khoản nợ xấu trên 700 tỉ đồng Hé lộ thông tin về đối tác Thái Lan muốn mua Công ty Cho thuê Tài chính ALCI của AgribankHé lộ thông tin về đối tác Thái Lan muốn mua Công ty Cho thuê Tài chính ALCI của Agribank CAR càng cao, khả năng phòng vệ càng vững chắcCAR càng cao, khả năng phòng vệ càng vững chắc

Minh Tâm