Agribank muốn có cơ chế đặc thù, tăng vốn ít nhất 10.000 tỷ đồng mỗi năm
Agribank muốn tăng vốn ít nhất 10.000 tỷ đồng mỗi năm
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Phạm Toàn Vượng đã đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các Bộ ngành xem xét cho phép tăng vốn tối thiểu 10.000 tỷ đồng mỗi năm, bắt đầu tư 2025.
Theo ông năm 2023-2024, Agribank đã được cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy nhiên, số vốn này chưa đáp ứng được nhu cầu tín dụng ngày càng cao, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Đồng thời, ngân hàng cũng cần đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn khi áp dụng Basel II và tiến tới là Basel III. Theo ông, nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000 - 17.000 tỷ đồng vốn tự có.
Do đó, Tổng Giám đốc Agribank đề nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế riêng cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Trong đó, xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025.
Ngoài ra, ông Vượng cho hay mặc dù đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng tăng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và gần đây là tác động của Bão Yagi, việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% gặp rất nhiều thách thức.
Do đó, lãnh đạo Agribank đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, hỗ trợ các ngân hàng về cơ sở pháp lý để xử lý các vướng mắc trong công tác xử lý tài sản để thu hồi tối đa nợ xấu phát sinh.
Cuối cùng, ông cho rằng trong xu thế số hóa nền kinh tế và hoạt động ngân hàng, Agribank cần đầu tư nhiều dự án xây dựng cơ bản, dự án công nghệ để đáp ứng yêu cầu hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực này gặp nhiều vướng mắc do phải tuân thủ nhiều trình tự, thủ tục.
Bởi vậy, ông Vượng đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn để có thể rút ngắn thời gian triển khai, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và chuyển đổi số quốc gia.
Lợi nhuận dự báo tăng 8%
Trước đó, trong phần báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2024, ông Vượng tiết lộ rằng dự kiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ tăng gần 8% so với năm 2023. Từ con số trên, có thể ước tính lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng sẽ đạt khoảng 27.568 tỷ đồng trong năm nay.
Ngoài ra, ông Vượng cũng tiết lộ rằng thu từ dịch vụ của Agribank trong năm 2024 dự kiến ở mức 8.400 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2024 là 43.000 tỷ đồng và đến hết năm 2025 tăng lên hơn 58.500 tỷ đồng.
Về tổng tài sản, dự kiến đến hết năm 2025, quy mô ước tăng 7,9% so với cuối năm 2023, tương đương khoảng 2,2 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 6% trong khi dư nợ đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ tại VAMC chưa xử lý đến 10/12/2024 đã giảm xuống 3,74%, giảm 2,29% so với cuối năm 2021 (trong năm 2024, tổng nợ xấu xử lý, thu hồi là 41.059 tỷ đồng, thu nợ xử lý rủi ro là 11.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, lãnh đạo ngân hàng cũng tiết lộ rằng đến nay, lãi suất cho vay của bình quân Agribank đã giảm gần 2 điểm % so đầu năm và thuộc nhóm thấp trên thị trường. Bên cạnh đó, Agribank cũng triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng đặc thù, ưu đãi lãi suất theo từng đối tượng khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 2 - 3 điểm% so với lãi suất thông thường.