Afghanistan có thể khiến Trung Quốc rơi vào cái bẫy 282 tỷ USD
Việc Mỹ vội vã rút quân khỏi Afghanistan được một số người cho là thắng lợi đối với Trung Quốc và cơ hội để Bắc Kinh tăng ảnh hưởng trong khu vực. Thậm chí tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) còn viết rằng Đài Loan nên coi sự kiện này là bài học và không nên trông chờ vào sự bảo vệ của Mỹ.
Tuy nhiên, sự thật trớ trêu là đối với Trung Quốc, thà có binh lính Mỹ ở gần biên giới còn hơn là không có ai cả (Afghanistan nằm ngay cạnh khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc).
Giờ đây, Afghanistan là cơn đau đầu lớn với Bắc Kinh, không chỉ vì nỗi lo hỗn loạn sẽ lan sang Tân Cương và còn vì ảnh hưởng đến Pakistan. Trung Quốc đã đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng lớn và gia hạn những khoản nợ khổng lồ cho chính phủ Pakistan theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Kể từ khi Sáng kiến này được khởi xướng vào năm 2013, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD ra nước ngoài: xây dựng đường xá, đập và nhà máy điện. Ước tính, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cho các nước trên khắp châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và châu Âu vay 282 tỷ USD.
Trung Quốc cho vay nhiều đến mức năm 2020, lần đầu tiên tài khoản vốn của nước này bị thâm hụt, Bloomberg cho biết.
Pakistan, hàng xóm của Trung Quốc và Afghanistan, là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của Bắc Kinh. Chỉ riêng Hành lang Kinh tế Pakistan - Trung Quốc được cho là trị giá 62 tỷ USD. Pakistan có khả năng trở thành liên kết chính giữa lợi ích của Trung Quốc ở Trung Á và các tuyến vận tải biển ở Ấn Độ Dương.
Nhưng gần đây, Bắc Kinh đã bắt đầu lo lắng về tài sản của mình ở Pakistan. Ngày 14/7, vụ nổ trên một chiếc xe buýt ở miền bắc Pakistan đã giết chết 9 kỹ sư Trung Quốc làm việc tại đập thủy điện Dasu trị giá 4 tỷ USD. Trong khi đó, dự án Dasu thậm chứ còn không thuộc Hành lang Kinh tế Pakistan - Trung Quốc nhiều tranh cãi, và được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới.
Một vụ tấn công khác đã xảy ra vào tháng 4, khi nhóm Taliban Pakistan thực hiện vụ đánh bom liều chết tại khách sạn nơi đại sứ Trung Quốc đang ở.
Sau một tháng, không tổ chức nào nhận trách nhiệm cho vụ tấn công ở Dasu. Tuần trước, Pakistan đổ lỗi cho nhóm Taliban ở Afghanistan.
Cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn thận trọng trong ngoại giao. Khi được hỏi về mối quan hệ giữa vụ tấn công Dasu và Taliban, ngoại trưởng Trung Quốc đáp trả bằng cách vạch ra ranh giới thú vị: Nhóm Taliban nào?
Bắc Kinh mô tả lực lượng Taliban Afghanistan là một lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt", nhưng ngầm coi nhóm Taliban Pakistan là khủng bố.
Cuối tháng 7, trong chuyến thăm ngoại giao, Bắc Kinh đã thuyết phục được Taliban ở Afghanistan cam kết công khai là không cho phép các chiến binh sử dụng đất của Afghanistan làm căn cứ để tấn công Trung Quốc.
Chỉ riêng lời hứa này cũng cho thấy Trung Quốc lo lắng thế nào về những nhà cầm quyền mới của Afghanistan. Tuy không đầu tư nhiều vào Afghanistan, nhưng Trung Quốc không thể trơ mắt nhìn Pakistan trở nên bất ổn. Bắc Kinh vẫn còn ký ức rất rõ về bẫy chủ nợ 6 năm trước ở Venezuela. Thêm một lần đặt cược thất bại nữa là giấc mộng Vành đai và Con đường của ông Tập sẽ lâm nguy.
Trước đây, Venezuela là điểm đến yêu thích của các ngân hàng chính sách Trung Quốc. Với các thỏa thuận cho vay lấy dầu, Trung Quốc cược rằng sản lượng dầu mỏ của nước này đủ để trả nợ. Đến năm 2013, Trung Quốc cấp cho Venezuela hạn mức tín dụng 40 tỷ USD, trong đó khoảng 30 tỷ USD vẫn chưa dùng đến.
Đây là một tính toán sai lầm. Trong giai đoạn 2014-2015, dầu thô Brent lao dốc từ 100 USD/thùng xuống còn một nửa. Trung Quốc phải gia hạn 9 tỷ USD các khoản vay cũ để giúp Venezuela vượt qua cuộc khủng hoảng và tăng năng lực sản xuất dầu. Phần lớn tiền Trung Quốc cho vay vẫn chưa được hoàn trả.
Cái bẫy chủ nợ đó đã làm sứt mẻ lòng tin. Nếu Trung Quốc không bảo vệ được lợi ích ở Pakistan, sẽ có thêm nhiều câu hỏi về mô hình xây dựng quốc gia của ông Tập.
Phần lớn rắc rối của Bắc Kinh đến từ cách tiếp cận về việc cho vay. Thay vì đánh giá lịch sử tín dụng của một quốc gia, Bắc Kinh cố dự đoán nước đi vay sẽ phát triển như thế nào nếu được nhận đủ đầu tư và cơ sở hạ tầng. Cách tiếp cận này không khắc gì tự vạch ra bánh vẽ, Bloomberg nhận xét.
Một bước lùi của Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể châm ngòi cho phản ứng dữ dội của người dân Trung Quốc. Hẳn ít ai thấy hài lòng khi Bắc Kinh mang nhiều tiền ra nước ngoài mà chẳng thu về được bao nhiêu.
Các ngân hàng chính sách được thành lập để thực hiện kích thích tài khóa và cho vay trong nước, chứ không phải tài trợ cho các quốc gia đang chật vật. Ngay cả với sự giúp đỡ của Bắc Kinh, Pakistan cũng gặp rất nhiều khó khăn kinh tế và tài chính. Trong vòng 30 năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phải cấp cho Pakistan tới 13 gói cứu trợ.
Mỹ muốn đưa những người lính trở về nhà. Còn Trung Quốc chỉ mong nhận được tỷ suất sinh lời dương để bảo vệ giấc mơ Con đường Tơ lụa thời hiện đại.