|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ADB: Năm 2023, công nghiệp sẽ tăng chậm, xuất nhập khẩu chỉ tăng trưởng 7%, riêng một ngành tăng hơn mức trước dịch

15:51 | 04/04/2023
Chia sẻ
ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023. Khu vực dịch vụ có thể tăng 8%, hơn mức 7,3% năm 2019.

Sáng 4/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo về dự báo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại họp báo, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp cân bằng những yếu tố bất lợi này và kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 và 6,8% vào năm 2024. 

 

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2023 của ADB cho biết nhu cầu thế giới giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất chế biến chế tạo. Suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng trong quý IV năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2023.

Công nghiệp được dự báo sẽ tăng chậm, ở mức 7,5% vào năm 2023, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng có thể tăng tốt nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện vào năm 2023 theo kế hoạch.

Các chuyên gia của ADB cũng dự báo khu vực dịch vụ tăng 8% trong năm nay nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi.

Ban đầu, Trung Quốc đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có thể tiếp nhận khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài. Tuy nhiên, hôm 12/3, danh sách sửa đổi đã bổ sung Việt Nam, cho phép nối lại các tour du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam từ ngày 15/3. ADB nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, do đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự thay đổi này.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp. Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. ADB cho rằng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% năm nay.

 

 

Giám đốc Quốc gia của ADB cũng cho biết đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

"Dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ ngành và tỉnh để giải ngân từ tháng 1".

Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài sẽ vẫn bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu. Thâm hụt tài khóa trong năm 2023 có thể cao hơn chỉ tiêu thâm hụt của năm là 4,4% GDP. ADB cho rằng trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để đảm bảo tài chính bền vững hơn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững như đất đai và dầu thô.

Về phía cầu, tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023. Du lịch hồi sinh, các chương trình kích cầu và đầu tư công mới được khởi xướng trong tháng 1/2022 và việc tăng lương có hiệu lực từ tháng 7/2023 dự kiến sẽ giúp tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng, mặc dù lạm phát cao hơn có thể cản trở tiêu dùng phục hồi. 

Về xuất nhập khẩu, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ tiếp tục tác động tới thương mại trong năm 2023. Cả nhập khẩu và xuất khẩu được ADB dự báo sẽ giảm xuống 7% trong năm nay và năm tới. Chuyên gia tại đây cho rằng tăng trưởng thương mại chậm lại có thể tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 1% GDP trong năm nay, trước khi đạt mức thặng dư trở lại vào năm 2024.   

 

Anh Đào