|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ADB: Các nền kinh tế đang phát triển khu vực châu Á dự báo sẽ tăng trưởng 5,2% năm nay

09:22 | 06/04/2022
Chia sẻ
Chuyên gia kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết: “Các nền kinh tế thuộc khu vực đang phát triển châu Á đang bắt đầu tìm được chỗ đứng của mình khi dần trỗi dậy sau giai đoạn chịu tác động tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19".

Các nền kinh tế đang phát triển khu vực châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay và 5,3% vào năm 2023, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của lực cầu trong nước và xuất khẩu tiếp tục tăng. Tuy nhiên, những bất ổn bắt nguồn từ cuộc xâm lược Ukrane của Nga, đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn và việc Fed thắt chặt tiền tệ đang gây ra rủi ro cho triển vọng.

Theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hôm nay, một số tiểu vùng, bao gồm Nam Á và Đông Á, dự kiến sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng kinh tế trước đại dịch. Lạm phát trong khu vực vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng dự báo sẽ tăng lên 3,7% trong năm nay, trước khi giảm xuống 3,1% vào năm 2023.

Việc Nga xâm lược Ukraine gây ra rủi ro nghiêm trọng nhất cho triển vọng kinh tế của các quốc gia đang phát triển châu Á. Xung đột đã và đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong khu vực do các mặt hàng như dầu mỏ tăng giá mạnh, và làm gia tăng bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. COVID-19 tiếp tục tác động đến nhiều nơi thuộc khu vực đang phát triển châu Á, trong đó một số nền kinh tế đang trải qua những đợt tăng mạnh số ca nhiễm mới.

Chuyên gia kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết: “Các nền kinh tế thuộc khu vực đang phát triển châu Á đang bắt đầu tìm được chỗ đứng của mình khi dần trỗi dậy sau giai đoạn chịu tác động tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19".

“Tuy nhiên, sự bất ổn về địa chính trị, các đợt bùng phát COVID-19 mới và các biến thể của vi-rút có thể làm chệch hướng đà tăng trưởng hiện nay. Các chính phủ trong khu vực sẽ cần phải cảnh giác và chuẩn bị thực hiện các bước để đổi phó với những rủi ro này, bao gồm việc đảm bảo rằng càng nhiều người càng tốt được tiêm chủng đầy đủ COVID-19. Các cơ quan quản lý tiền tệ cũng nên tiếp tục theo dõi tình hình lạm phát một cách chặt chẽ và có những giải pháp kịp thời.”

Cùng với sự phục hồi của lực cầu trong nước và việc nới lỏng hạn chế đi lại nhờ tiến độ tiêm chủng, xuất khẩu ngày càng tăng đã thúc đẩy sự phục hồi của khu vực đang phát triển châu Á vào năm ngoái. Lượng kiều hối đổ về khu vực cũng vẫn duy trì ổn định, đặc biệt là ở các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các khoản tiền chuyển về nước như Bangladesh, Cộng hòa Kyrgyz Republic, Pakistan và Tajikistan. Du lịch quốc tế đã bắt đầu gia tăng ở các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, bao gồm Maldives, Srilanka và một số nền kinh tế ở Thái Bình Dương.

Hầu hết các quốc gia đang phát triển châu Á sẽ tăng trưởng ổn định trong năm nay và năm 2023. Các nền kinh tế ở Caucasus và Trung Á được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 3,6% trong năm nay và 4,0% trong năm tới. Các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Đông Nam Á được dự báo sẽ có mức tăng trưởng chung 4,9% trong năm nay và 5,2% vào năm 2023. Các nền kinh tế Thái Bình Dương, phụ thuộc nhiều vào du lịch, dự kiến sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay và 5,4% vào năm 2023, sau khi suy giảm ở mức 0,6% vào năm 2021.

Đông Á dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế 4,7% trong năm nay và 4,5% vào năm 2023. Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất của khu vực, được dự báo sẽ tăng trưởng 5,0% trong năm nay và 4,8% trong năm tới, trong bối cảnh xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh. Các nền kinh tế Nam Á dự kiến sẽ có mức tăng trưởng chung 7,0% vào năm 2022 và 7,4% vào năm 2023, trong đó Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất của tiểu vùng - dự kiến sẽ tăng 7,5% trong năm tài khỏa này và 8,0% trong năm tài khóa tiếp theo. 

Anh Đào