|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mirae Asset công bố ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chỉ ra loạt rủi ro với từng nhóm ngành

07:20 | 06/04/2022
Chia sẻ
Mirae Asset điều chỉnh tăng dự phóng tăng trưởng GDP 2022 lên mức 5,9% trong kịch bản cơ sở. Ở kịch bản xấu, kinh tế Việt Nam có thể chỉ đạt mức tăng 4,5%.

CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 4, theo đó đưa ra ba kịch bản tăng trưởng GDP năm nay.

Cụ thể, khối phân tích nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên mức 5,9% trong kịch bản cơ sở, khi ngành dịch vụ kỳ vọng hồi phục tốt hơn dự báo trước đó nhờ vào chính sách mở cửa và thúc đẩy du lịch.

Tuy vậy, các rủi ro như lạm phát gia tăng, các biến động bên ngoài như cuộc chiến Nga-Ukraine, chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc gia tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là các biến số đáng lưu tâm trong các quý còn lại của năm 2022.

Nền kinh tế nội tại vẫn kỳ vọng được hỗ trợ bởi các động lực tăng trưởng. Đầu tiên, dòng vốn FDI đăng ký kì vọng tăng trưởng nhờ chính sách đi lại giữa các nước dần trở lại bình thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khảo sát đầu tư và làm các thủ tục đầu tư.

Thứ hai, đầu tư công được đẩy mạnh. Ngoài ra, xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục và tiêu dùng kỳ vọng hồi phục.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.

 

 

Công ty vẫn giữ quan điểm lạm phát sẽ được kiểm soát ổn định dưới mức 4% trong năm 2022; tuy vậy, rủi ro lạm phát đang ngày càng gia tăng, khi sự tăng giá hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào có khả năng kéo dài do nhu cầu tiêu dùng hồi phục trong khi nguồn cung bị đứt gãy, kèm theo đó là tác động của gói hỗ trợ lớn của Chính phủ.

Các yếu tố góp phần kiềm chế và ổn định lạm phát trong năm 2022 là chính sách đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường của Chính phủ; giá cả của mặt hàng lương thực, thực phẩm khá ổn định; nhu cầu về văn hóa, giải trí, du lịch hồi phục với tốc độ chậm.

 

Chỉ ra rủi ro với các ngành, Mirae Asset cho rằng rủi ro với sản xuất công nghiệp là có khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và thiếu hụt nguồn lao động nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

 

Với xuất nhập khẩu, xuất khẩu kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng khi hoạt động sản xuất kinh doanh khôi phục. Tuy nhiên cần lưu ý rủi ro nhu cầu các nước phục hồi thấp hơn kỳ vọng, gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp.

Về FDI, dòng vốn FDI kỳ vọng vẫn tăng trưởng trong năm 2022 khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt mức cao và các doanh nghiệp đã và đang thích ứng với trạng thái bình thường mới. Ngoài ra chính sách đi lại giữa các nước dần trở lại bình thường, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc các nhà đầu tư nước ngoài khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.

Thêm nữa, Việt Nam vẫn đang hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, với lợi thế về vị trí địa lý và chi phí lao động rẻ.

Rủi ro chính với dòng vốn FDI theo khối phân tích đánh giá là sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia ngày càng gia tăng.

Còn về tiêu dùng trong nước, Mirae Asset nhận định rủi ro chính liên quan đến sự bùng phát dịch COVID-19 trở lại.

Báo cáo cũng cho biếttThị trường lao động khởi sắc khi số lượng doanh nghiệp đăng ký và quay lại hoạt động hồi phục và tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh trong quý I. Tuy nhiên cần chú ý rủi ro nếu tình trạng thiếu hụt lao động khi ca nhiễm mới ở mức cao và diễn biến dịch ngày càng phức tạp.

 

Anh Đào