|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ACB liên lụy bởi khoản tiền gửi hơn 1.100 tỷ đồng tại 2 nhà băng yếu kém

20:09 | 19/08/2016
Chia sẻ
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của 2 nhà băng với giá 0 đồng, khiến ACB đang phải xử lý khoản tiền gửi tại 2 nhà băng này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2016, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông tin từng có khoản 1.172 tỷ đồng tiền gửi tại hai tổ chức tín dụng yếu kém đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt buộc xử lý.

Cụ thể, vào ngày 7/7/2015, NHNN tuyên bố bắt buộc mua lại toàn bộ vốn cổ phần của ngân hàng B với giá 0 đồng. Tuy nhiên, khi đó ACB có 772 tỷ đồng tiền gửi tại nhà băng này, nên đã làm công văn lên NHNN đề nghị xem xét, chấp thuận cho ngân hàng nhận chuyển nhượng các trái phiếu và bất động sản do ngân hàng B nắm giữ để cấn trừ khoản tiền gửi, đồng thời ACB sẽ miễn toàn bộ lãi phải thu phát sinh từ khoản tiền gửi này. Đề nghị trên đã được NHNN chấp thuận.

Theo đó, vào ngày 7/4/2016, ACB đã nhận chuyển nhượng các trái phiếu với mệnh giá 500 tỷ đồng do một công ty cổ phần trong nước phát hành để cấn trừ 520 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng B. Đối với số dư 252 tỷ đồng còn lại, ACB đang trong quá trình thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng bất động sản do ngân hàng B nắm giữ để cấn trừ nợ.

Với ngân hàng C, bị NHNN tuyên bố mua lại bắt buộc vốn cổ phần với giá 0 đồng ngày 31/1/2015, ACB có 400 tỷ đồng tiền gửi đã quá hạn lãi. Vào ngày 29/12/2015, NHNN chấp thuận cho ACB được điều kỳ hạn thu hồi khoản tiền này và khoản lãi liên quan. Cụ thể, khoản tiền gửi này sẽ được thu hồi hàng năm theo lộ trình hàng năm cho đến ngày 30/9/2020. Hiện tại, khoản tiền gửi này đã được phân loại vào nhóm Nợ có khả năng mất vốn. Tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản tiền gửi này tại ngày 30/6/2016 là 156,63 tỷ đồng.

Trong năm 2015, NHNN đã mua lại ba ngân hàng bị xếp loại yếu kém, cần được giám sát chặt chẽ với giá 0 đồng bao gồm: Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank).

Ngoài ra, trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2016, kiểm toán viên của Công ty KPMG lưu ý đến vấn đề Công văn của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 29/12/2015 về việc phê duyệt điều chỉnh phương án cơ cấu lại ACB.

Theo đó, vào tháng 8/2013, NHNN thông báo cho ACB kết quả cuộc thanh tra toàn diện hoạt động của ngân hàng năm 2012, trong đó lưu ý ACB xử lý khoản vay của một nhóm 6 công ty.

Theo lộ trình thu hồi nợ đẫ được NHNN phê duyệt, các số dư của nhóm 6 công ty này sẽ được thu hồi hàng năm với số tiền lần lượt 814 tỷ đồng, 2.200 tỷ đồng, 1.816 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, bắt đầu từ năm 2015 và kết thúc vào năm 2018. Cũng theo công văn này, ngân hàng tiếp tục phân loại nợ của nhóm 6 công ty này vào Nhóm nợ cần chú ý và trích lập thêm dự phòng hàng năm cho toàn bộ dư nợ không thu hồi được theo lộ trình được NHNN phê duyệt.

Minh Hương

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.