76% CEO Việt Nam dự định tăng đầu tư trong năm tới
|
PwC - một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất trên thế giới, vừa công bố báo cáo Khảo sát CEO các nền kinh tế APEC năm 2016 - 2017. Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát 54 lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam (trong tổng số 1.154 lãnh đạo doanh nghiệp tại khu vực APEC), được thực hiện từ tháng 5 - 7/2016.
Thị trường nội địa Việt Nam là điểm sáng
Theo đó, các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc nhóm lạc quan nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. So với CEO thuộc nền kinh tế khác trong APEC, các CEO Việt Nam có xu hướng mở rộng đầu tư nhiều hơn trong năm tới.
Trong số những lãnh đạo doanh nghiệp phụ trách thị trường Việt Nam, 76% dự định sẽ tăng đầu tư trong năm tới - cao hơn so với mức 53% của các CEO trên toàn khu vực APEC.
PwC nhận định, mặc dù các chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP khiêm tốn hơn trong năm nay, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam đang thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn.
Bên cạnh đó, yếu tố về dân số, thu nhập bình quân tăng nhanh, chính sách cởi mở đang giúp Việt Nam thêm hấp dân. Nguồn nhân lực giá rẻ và có tay nghề là một động lực chính cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực.
Trong bối cảnh đó, các CEO tin tưởng nhất vào khả năng tăng biên lợi nhuận của các hoạt động kinh doanh trong nước.
|
Kì vọng tăng trưởng trong tương lai
PwC cho biết, môi trường cạnh tranh thu hút các dòng vốn đầu tư đang thay đổi, chảy về các nền kinh tế mới nổi. Minh chứng là, khảo sát cho thấy 38% các CEO cho biết đối thủ hàng đầu của họ là một doanh nghiệp dẫn đầu khu vực APEC hoặc một công ty đa quốc gia có trụ sở tại một nền kinh tế mới nổi. Chỉ 2 năm trước thôi, 41% các CEO tại APEC có đối thủ hàng đầu là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại một nền kinh tế phát triển.
Hiện nay, trung bình mỗi lãnh đạo doanh nghiệp APEC đang đầu tư vào 7 nền kinh tế khác trong khu vực. Đầu tư là lĩnh vực cạnh tranh lớn nhất nhưng đang gặp phải một số vấn đề về quy định, chính sách, pháp lý. Do đó, các khoản đầu tư kinh doanh sẽ chảy nhiều hơn vào những nền kinh tế có điều kiện pháp lý phù hợp cho việc mở rộng kinh doanh.
Bên cạnh đó, mạng lưới kết nối đang mở ra nhưng mô hình kinh doanh mới và kết nối chặt chẽ mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng và đối tác cung ứng. Các xu hướng tự số hóa hoạt động điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp và tiện nghi công cộng. "Kinh doanh ứng dụng công nghệ đang đạt đến điểm bùng phát", PwC nhận định.