|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

7 tỉnh, thành góp mặt trong vùng lõi tăng trưởng, sẽ được tập trung phát triển thời gian tới

17:40 | 14/09/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cần tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tam giác Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, còn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tứ giác TP HCM-Bình Dương-Đồng Nai-Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sáng 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Hội nghị này, các thành viên của Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua hồ sơ quy hoạch và dự thảo báo cáo thẩm định.

Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương đến năm 2050. 

Phát triển tam giác và tứ giác tăng trưởng

Các thành viên nhất trí với định hướng động lực tăng trưởng là cần tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tam giác Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tứ giác TP HCM-Bình Dương-Đồng Nai-Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó TP HCM là cực tăng trưởng. 

Về định hình và sắp xếp thứ tự ưu tiên các hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp, đô thị chính, Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc-Nam và hướng Đông-Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên hình thành và phát triển các vành đai công nghiệp, đô thị quanh Hà Nội và TP HCM, gắn kết với các cửa ngõ quốc tế.

Về các đột phá phát triển hạ tầng: Ưu tiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đô thị Hà Nội và TP HCM, năng lượng, viễn thông,... gắn với hình thành các hành lang kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực (vùng lõi) và cực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.

Mở rộng không gian phát triển

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng cũng đặt vấn đề mở rộng không gian phát triển gồm không gian ngầm, không gian biển và bầu trời; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm; phát triển không gian văn hóa gắn với du lịch. 

Thủ tướng đề nghị chuyển đổi cơ cấu kinh tế; xác định thứ tự ưu tiên để bố trí, ưu tiên nguồn lực phù hợp; bảo đảm môi trường sinh thái, xử lý các vấn đề môi trường; vấn đề di dân để quy hoạch không gian gắn với phát triển dân số hài hòa, hợp lý.

Cách thức huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch (gồm nhân lực, vật lực, tài lực; trong đó có nguồn lực nhà nước, nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp, nguồn lực bên ngoài), trong đó yếu tố con người là quyết định, đặc biệt là đội ngũ cán bộ và người đứng đầu. Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân".

Lưu ý thêm việc đánh giá tác động của việc thực hiện quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ, văn bản liên quan, triển khai các thủ tục theo quy định để xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Chính phủ trước khi trình Quốc hội thông qua.

Hạ An