|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

60% giống cà phê trên thế giới được liệt vào sách đỏ vì nguy cơ tuyệt chủng

14:14 | 20/01/2019
Chia sẻ
Đánh giá toàn diện đầu tiên về rủi ro đối với cây cà phê trên toàn thế giới cho thấy 60% trong tổng số 124 giống cà phê đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
 
60 giong ca phe tren the gioi duoc liet vao sach do vi nguy co tuyet chung
Cà phê thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Có hơn 100 giống cà phê mọc tự nhiên trong rừng nhưng chỉ có hai giống được sử dụng để uống.

Các nhà khoa học cho rằng 60% là một con số cực kì cao và đáng lo ngại, vì cà phê hoang dã rất quan trọng trong việc duy trì mùa vụ cà phê toàn cầu.

"Nếu không có giống cây hoang dã, chúng ta cũng sẽ không có nhiều cà phê để uống như vậy. Vì nếu nhìn vào lịch sử canh tác cà phê, có thể nhận thấy các giống cây hoang dã là nhân tố duy trì một mùa vụ cà phê bền vững”, Tiến sĩ Aaron Davis, một chuyên gia sinh vật học của Vườn thực vật Hoàng gia Anh Kew nhận định.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances cho thấy các biện pháp bảo tồn hiện tại không phù hợp đối với cà phê hoang dã, gồm cả những giống được xem như yếu tố quan trọng trong việc sản xuất cà phê toàn cầu trong thời gian dài.

Theo thống kê, có 75 giống cà phê hoang dã đang bị đe dọa với nguy cơ tuyệt chủng, 35 giống không bị đe dọa và quá ít thông tin về 14 giống còn lại để đưa ra bất kì kết luận nào.

Ngoài ra, có 28% giống cà phê hoang dã mọc bên ngoài các khu vực bảo vệ và chỉ một nửa hiện được bảo tồn trong các ngân hàng hạt giống.

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Global Change Biology đã chỉ ra cà phê Arabica hoang dã có thể được xếp vào nhóm bị đe dọa theo bảng xếp hạng chính thức trong Sách đỏ IUCN, khi biến đổi khí hậu xảy ra.

Theo nghiên cứu, số cây trong tự nhiên của giống cà phê này có thể sẽ giảm tới 50% về số lượng hoặc nhiều hơn cho tới năm 2088 do biến đổi khí hậu.

60 giong ca phe tren the gioi duoc liet vao sach do vi nguy co tuyet chung
Ethiopia là quê hương của cà phê Arabica

Cà phê Arabica hoang dã được dùng làm nguồn cung hạt giống cho người trồng cà phê và cũng được thu hoạch như những loại cây trồng tại trang trại.

Ethiopia là quê hương của cà phê Arabica, nơi giống cà phê này mọc tự nhiên trong các khu rừng mưa nhiệt đới.

"Với tầm quan trọng của cà phê Arabica đối với Ethiopia và thế giới, chúng ta cần nỗ lực hết sức để tì ra những rủi ro đối với sự tồn tại của giống cây này trong tự nhiên", Tiến sĩ Tadesse Woldemariam Gole phát biểu trong Diễn đàn Môi trường và Cà phê ở Addis Ababa.

Cà phê hoang dã là gì và vì sao chúng trở nên quan trọng?

Nhiều người uống cà phê không biết rằng chúng ta chỉ dùng hạt cà phê từ hai giống - Arabica và Robusta - trong hàng ngàn loại cà phê pha trộn khác nhau được bán trên thị trường.

60 giong ca phe tren the gioi duoc liet vao sach do vi nguy co tuyet chung
Hai loại cà phê được sử dụng làm đồ uống trên thế giới là Arabica và Robusta

Trên thực tế, có 122 giống cà phê tồn tại trong tự nhiên.

Nhiều loại cà phê hoang dã không có vị ngon để uống, nhưng lại chứa các gen giúp cây cà phê tồn tại và phát triển trong tương lai, với bối cảnh biến đổi khí hậu và các loại sâu bệnh mới nổi có thể tấn công cây trồng.

Trong dài hạn, chúng ta sẽ cần dùng những giống hoang dã để bảo vệ tương lai của vụ cà phê trên thế giới, các nhà nghiên cứu cho hay.

Phần lớn cà phê hoang dã mọc ở những khu rừng hẻo lánh ở châu Phi và trên đảo Madagascar. Ngoài Châu Phi, cà phê hoang dã được tìm thấy ở các vùng khí hậu nhiệt đới khác, gồm cả các vùng tại Ấn Độ, Sri Lanka và Australia.

Thương mại cà phê toàn cầu phụ thuộc vào hai loại cà phê - Arabica và Robusta.

Loại thứ ba - Liberica cũng được trồng trên khắp thế giới, nhưng hiếm khi được sử dụng để uống.

Cần làm gì để bảo tồn cà phê?

Chúng ta cần phải biết những rủi ro đối với việc trồng cà phê và đảm bảo có đủ nguồn lực để đối mặt các mối đe dọa đó.

Hạt của cây cà phê, giống nhiều giống cây nhiệt đới, không thể sống sót trong quá trình đông lạnh được sử dụng tại các ngân hàng bảo quản hạt giống. Và 45% giống cà phê không được bảo vệ ngoài tự nhiên.

Tiến sĩ Eimear Nic Lughadha tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew cho biết đây là lần đầu tiên Sách đỏ IUCN được dùng để tìm nguy cơ tuyệt chủng của cà phê thế giới và con số 60% thật sự rất cao.

"Chúng tôi hi vọng những dữ liệu mới này sẽ làm nổi bật các giống cần được ưu tiên cho sự phát triển bền vững của ngành sản xuất cà phê, từ đó có thể áp dụng những biện pháp thích hợp để bảo vệ những giống này", tiến sĩ cho hay

Ngọc Ánh