|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

6 nguyên nhân khiến bạn luôn đưa ra quyết định tài chính sai lầm

07:18 | 10/12/2019
Chia sẻ
Những quyết định tài chính sai lầm có thể khiến cuộc sống của bạn xuống dốc một cách tồi tệ nhưng nguyên nhân sâu xa là gì?

What-if-I-make-the-wrong-decision

Ảnh minh hoạ.

Nghiên cứu của Harvard Business Review đã chỉ ra rằng một người bình thường đưa ra khoảng 2.000 mỗi giờ. Dù hầu hết các quyết định không lớn và chúng ta chỉ đơn thuần làm theo bản năng hoặc thói quen như mặc gì đến văn phòng, nên ăn trưa ở đâu, về nhà vào lúc mấy giờ, v.v.

Tuy nhiên, những quyết định liên quan đến tiền bạc sẽ đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ thực sự và có hậu quả đáng kể. Thường xuyên quyết định đúng được xem là kĩ năng quan trọng nhất mà chúng ta có thể phát triển, đặc biệt là về tiền bạc. 

Những lựa chọn kinh tế ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn, các mối quan hệ, cách chúng ta đầu tư thời gian và sức khỏe cho sự nghiệp. Chuyên gia Mike Erwin của HBR đã thống kê 6 nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến cách một người giải quyết các vấn đề tài chính cá nhân.

Mệt mỏi với các lựa chọn 

Ngay cả những người năng nổ nhất cũng không sở hữu nguồn năng lượng tinh thần vô tận. Việc liên tục phải đưa ra các lựa chọn tiêu hao nhiều năng lượng cũng như khiến chúng ta mệt mỏi. Một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất chứng minh cho điều này là tỉ lệ các tù nhân được tạm tha vào buổi sáng cao hơn so với các vụ án xét xử vào buổi chiều. 

Với quá nhiều tình huống cần phải lựa chọn, đặc biệt là những quyết định có ảnh hưởng lớn đến người khác, mệt mỏi là khó tránh. Vì thế, hãy xác định những quyết định quan trọng nhất bạn cần đưa ra và ưu tiên quãng thời gian đầu ngày, khi nguồn năng lượng trong bạn dồi dào nhất để giải quyết chúng.

Aug19_01_523192024-1024x576

Đưa ra quá nhiều quyết định trong một thời gian ngắn khiến con người tê liệt khả năng phân tích. Ảnh: HBR

Trạng thái mất tập trung kéo dài 

Sự bùng nổ của công nghệ trong 10 năm qua đã mở ra một kỉ nguyên số chưa từng có nhưng đồng thời, cũng tạo ra một môi trường luân chuyển thông tin và dữ liệu không ngừng nghỉ. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng bộ não của chúng ta xử lí thông tin nhiều gấp 5 lần so với năm 1986. 

Do đó, nhiều người trong chúng ta rơi vào tình trạng mất tập trung kéo dài và phải vật lộn để duy trì khả năng này. Nếu đây là trường hợp của bạn, hãy dành một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để nghỉ ngơi, tránh xa email, mạng xã hội, tin tức và sự tấn công ồ ạt của thời đại thông tin. Việc này nghe thật khó nhưng nếu bạn quyết tâm, không điều gì là không thể.

Thiếu suy nghĩ 

Đại học Kellogg gần đây đã phát hiện ra rằng trong một cuộc họp, trung bình chỉ có 3 người thực hiện khoảng 70% đối thoại. Tác giả Susan Cain cũng từng giải thích rằng nhiều người hướng nội không muốn lên tiếng trong một cuộc họp cho đến khi họ biết chính xác những gì mình muốn nói. 

Tuy nhiên, các thành viên này thường là nhóm có ý tưởng tốt nhất bởi họ đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ. Nhằm tiết kiệm thời gian và một cuộc họp hiệu quả, hãy gửi chương trình họp trước 24 giờ để toàn bộ người tham gia có thể suy nghĩ về những ý kiến nên đóng góp. Đồng thời, nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp khuyến khích mọi người nêu ý tưởng ngay cả sau khi cuộc họp đã kết thúc cũng là giải pháp khá tuyệt vời.

Quá nhiều công việc 

Ngày càng có ít công việc không đòi hỏi người thực hiện phải giải quyết nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy hiệu suất, bao gồm cả hiệu quả quyết định, chỉ đạt 40% khi một người tập trung đồng thời vào 2 nhiệm vụ. Khi bạn cần đưa ra quyết định quan trọng, hãy nhấn mạnh với chính bản thân mình tính nghiêm túc của vấn đề và buộc bản thân dành sự chú ý tối đa để tìm ra giải pháp tối ưu.

Cảm xúc chi phối 

Thất vọng, phấn khích, tức giận, vui vẻ... là một phần cơ bản của trải nghiệm hàng ngày và trong khi những cảm xúc này có ý nghĩa rất lớn với chúng ta, có lẽ bạn cũng đã biết rằng cảm xúc, đặc biệt là trong khoảnh khắc giận dữ hay hạnh phúc tột đỉnh, có thể cản trở khả năng đưa ra quyết định chính xác. 

Quyết định nói ra hay gửi tin nhắn/ email trong khi tức giận thường tạo ra các tình huống khó khăn bởi tông giọng hoặc các từ ngữ gay gắt. Để không gây ra rắc rối, hãy chú ý đến trạng thái cảm xúc của mình và cố gắng kiểm soát bản thân. 

Chống lại cám dỗ phản ứng tức thời chắc chắn không bao giờ khiến bạn hối hận. Dành một khoảng thời gian yên lặng để thở sâu, bình tĩnh và trở lại với vấn đề chỉ khi bạn đã suy nghĩ mạch lạc và sáng suốt hơn.

Tê liệt khả năng phân tích 

Thời đại công nghệ đã cho chúng ta nguồn thông tin, dữ liệu và số liệu bất tận nhưng khả năng phân tích của con người vẫn chỉ là hữu hạn. Càng nhiều thông tin phải xem xét, chúng ta càng mất nhiều thời gian hơn để đưa ra quyết định. 

Quá trình đưa ra quyết định tốt nhất cần thời gian và các dữ kiện bổ sung nên hãy xem lại bạn cần những gì, đặt mốc thời gian để đưa ra quyết định và bám sát theo kế hoạch.

Các quyết định chúng ta đưa ra tạo nên thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, hình thành các mối quan hệ và đóng góp vào mức năng lượng cũng như hiệu quả làm việc của chúng ta trên mọi khía cạnh của đời sống. 

Dù vậy, những quyết định tồi tệ là không thể tránh khỏi. Việc nhận thức rõ 6 nguyên nhân cản trở bạn đưa ra quyết định tốt và cách vượt qua chúng sẽ giúp bạn cải thiện bản thân trên nhiều phương diện như tài chính, sức khỏe, sự nghiệp,...

Thu Phương