Nghệ thuật phản bác quyết định tài chính của vợ, chồng hay bố mẹ bạn là đây
Bố mẹ hay ai đó có quyền lực lớn nhất trong gia đình bạn vừa đưa ra một quyết định tài chính tồi tệ? Vợ/ chồng bạn vừa nêu lên một kế hoạch mua nhà trả góp mà bạn biết sẽ không thể thực hiện?
Nhưng bạn nên nói gì khi không đồng ý với người có ảnh hưởng hơn mình trong gia đình? Làm thế nào để quyết định có nên lên tiếng hay không? Và nếu bạn phát biểu, bạn nên nói những gì?
Havard Business Review trích lời khuyên của các chuyên gia, tránh né xung đột với người có ảnh hưởng lớn hơn là bản năng tự nhiên của con người. Cơ thể của chúng ta được thiết kế để sinh tồn và con người có xu hướng lẩn tránh những hành vi hoặc tình huống gây hại tiềm tàng, Joseph Grenny, tác giả cuốn Crucial Conversations cho biết.
"Nguyên nhân chính gây ra lo lắng là những hậu quả tiêu cực", Holly Weeks, tác giả cuốn Failure in Communication chia sẻ. Chúng ta thường nghĩ tới những xung đột ghê gớm nếu cãi lời người lớn hơn trong gia đình, đặc biệt là một vấn đề nhạy cảm như tiền bạc. Dù vậy, một gia đình chỉ luôn biết gật đầu có thể gặp phải sai lầm nghiêm trọng và dưới đây là cách để phản đối những người có ảnh hưởng lớn hơn một cách tinh tế và khéo léo.
Thực tế về những rủi ro
"Hầu hết mọi người có xu hướng bỏ qua việc cân nhắc những rủi ro khi lên tiếng. Chúng ta chỉ đơn giản là tưởng tượng ra viễn cảnh khủng khiếp nhất", Grenny nói. Tất nhiên, đối phương của bạn có thể ngạc nhiên và hơi khó chịu nhưng bạn sẽ không bị đuổi khỏi nhà hay trở thành kẻ thù truyền kiếp của phụ huynh.
Greeny khuyến khích mọi người trước hết nên xem xét hậu quả của việc im lặng như gia đình ngập trong nợ nần, nguy cơ mất trắng số tiền tiết kiệm và sau đó, thực tế cân nhắc những hậu quả tiềm tàng của việc lên tiếng để so sánh, đưa ra kết luận.
Theo các chuyên gia, tránh né xung đột với người có ảnh hưởng lớn hơn là bản năng tự nhiên của con người. Ảnh: HBR
Quyết định thời điểm hợp lí
Sau khi đánh giá rủi ro, bạn có thể đã quyết định sẽ giữ ý kiến của mình nhưng tốt hơn hết, trước khi trình bày, hãy lắng nghe ý kiến của các thành viên khác để có cái nhìn thấu đáo hơn hay tận dụng sức mạnh tập thể.
Mọi người có thể đóng góp kinh nghiệm hoặc thông tin cho bạn, củng cố quan điểm trái chiều và khiến những luận cứ trở nên mạnh mẽ và có giá trị hơn. Đây cũng là bước giúp bạn kiềm chế bản thân không phát biểu trước nhiều người. Thảo luận về vấn đề tài chính một cách riêng tư sẽ khiến đối phương cảm thấy ít bị đe dọa hơn.
Xác định mục tiêu chung
Trước khi chia sẻ suy nghĩ của mình, hãy suy nghĩ về mục tiêu của đối phương như sự tin cậy của cả gia đình hay áp lực phải giải quyết được vấn đề tài chính trước hạn, Grenny nói. Bạn có thể được lắng nghe nhiều hơn nếu kết nối được quan điểm của mình với nhu cầu của đối phương.
Ngoài việc trình bày quan điểm riêng một cách rõ ràng, hãy cụ thể hóa tình huống hiện tại cũng như thể hiện thiện chí xây dựng, hướng tới mục tiêu chung. Cuộc thảo luận sau đó sẽ trở thành một ván cờ vua dễ chịu thay vì một trận đấu quyền anh.
Xin phép bày tỏ quan điểm cá nhân
Bước này nghe có vẻ là quá nhiều đối với những thành viên trong gia đình nhưng theo Grenny, đây lại là một cách thông minh để khiến phụ huynh cảm thấy an toàn và dễ chịu. Bạn có thể bắt đầu bằng câu hỏi "Liệu con có thể nói ra quan điểm của mình về chuyện đó không?".
Cách hỏi này này mang đến cho đối phương quyền lựa chọn, khiến họ tự tin hơn và nếu họ chấp thuận, bản thân bạn cũng cảm thấy tự tin hơn khi trình bày.
Giữ bình tĩnh
Nếu xung đột xảy ra khi bạn nói, những cảm giác tiêu cực như tim đập mạnh, đỏ mặt nhưng hãy làm bất cứ điều gì có thể để giữ thái độ trung lập trong cả lời nói và hành động. Khi ngôn ngữ cơ thể của bạn truyền đạt sự miễn cưỡng hoặc lo lắng, thông điệp bạn đưa ra cũng bị ảnh hưởng, Week nói.
Hít thở sâu, nói chậm hơn và có chủ ý. Khi cảm thấy hoảng loạn, chúng ta có xu hướng nói to và nhanh hơn. Bạn không nhất thiết phải thì thầm mà chỉ cần giảm tốc độ và nói với tông giọng phù hợp để hai bên đều bình tĩnh, tránh xung đột gay gắt.
Hãy khiêm tốn
"Hãy nhớ rằng bạn chỉ nên phát biểu để đóng góp cho lợi ích chung chứ không phải thể hiện bản thân", Grenny nói. Dù bạn đã nghiên cứu chi tiết ra sao, đó vẫn chỉ là một ý kiến cá nhân nên thay vì khẳng định và tuyên bố, hãy nhấn mạnh tính cá nhân của quan điểm, giữ lại quyền kết luận cho các thành viên còn lại.
Khi bị phản đối, hãy khiêm tốn hỏi lại những sai sót của mình để tiếp tục cùng tranh luận trong môi trường cởi mở và lành mạnh.
Thừa nhận ảnh hưởng của đối phương
Người có ảnh hưởng vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng nên hãy thừa nhận điều đó. Bạn có thể nói: "Con sẽ dừng lại tại đây. Điều này tùy thuộc vào cha/ mẹ". Điều này không chỉ cho thấy bạn biết vị trí của mình mà còn nhắc nhở họ rằng họ có lựa chọn, Grenny chia sẻ.
Dù vậy, bạn không nhất thiết phải hùa theo quan điểm của đối phương khi bị từ chối bởi quyền giữ sự tự trọng là dành cho tất cả mọi người.
Nguyên tắc cần nhớ:
Nên:
- Giải thích rằng bạn có ý kiến khác và hỏi liệu bạn có thể nói ra hay không.
- Nghiên cứu chi tiết quan điểm hoặc quyết định ban đầu để chắc chắn bạn đã hiểu đầy đủ.
- Nói chậm với tông giọng đều đều để giữ bình tĩnh cho hai bên
Không nên:
- Tưởng tượng ra những hậu quả quá ghê gớm.
- Khẳng định ý kiến của bản thân là chân lí.
- Sử dụng các từ phán đoán, tỏ thái độ hung hăng, khiêu khích đối phương.