|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

550 tỷ đồng lợi nhuận có thể 'bốc hơi' của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

08:32 | 03/10/2016
Chia sẻ
Khoản lợi nhuận trước thuế có thể “bốc hơi” của Tập đoàn Dầu khí Việt (Petro Việt Nam) có giá trị lên đến 550 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2015 của Tập đoàn Dầu khí Việt (Petro Việt Nam) đã bộc lộ nhiều nguy cơ cho “ông lớn” dầu khí. Công ty kiểm toán Deloitte đã chỉ ra nhiều khoản hạch toán chưa đúng trong báo cáo này.

Trong đó, đáng chú ý nhất là nguy cơ lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn có thể “bốc hơi” tới 550 tỷ đồng. Tất cả đều đến từ những hạch toán chưa chính xác của ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).

Theo Deloitte, tại thời điểm 31/12/2015, PVcomBank có khoản lãi phải thu quá hạn là 301,7 tỷ đồng liên quan đến nghĩa vụ nợ của một nhóm khách hàng. Đây là khoản lãi phải thu còn lại sau khi nhóm khách hàng này thực hiện hoàn trả dư nợ gốc và lãi cho PVcomBank theo phương án xử lý nợ được thống nhất giữa 2 bên trong năm 2015 và cần được ghi nhận vào chi phí trong năm theo quy định của Thông tư số 05/2013/TT-BTC về hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

550 ty dong loi nhuan co the boc hoi cua tap doan dau khi viet nam

Deloitte cho biết nếu khoản lãi phải thu này được hạch toán theo đúng quy định thì lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12//2015 sẽ bị giảm với số tiền 301,7 tỷ đồng.

Đó chưa phải là khoản điều chỉnh lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu đồng duy nhất. Trong năm 2015, PVcomBank đã ghi nhận một khoản thu nhập từ thanh lý góp vốn đầu tư dài hạn là 130 tỷ đồng khi thực hiện ủy thác một số chứng khoán niêm yết trong khoản mục đầu tư dài hạn cho một công ty khác và đánh giá lại giá trị của các chứng khoán này theo giá trị thị trường tại ngày ủy thác.

Deloitte đánh giá việc hạch toán thu nhập như trên là chưa thỏa mãn các điều kiện ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 – Doanh thu và thu nhập khác do PVcomBank chưa hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu đối với các chứng khoán này sang cho đối tác.

Vì vậy, công ty kiểm toán Deloitte khẳng định nếu PVcomBank hạch toán giao dịch này theo đúng quy định thì lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ bị giảm 130 tỷ đồng.

Không những thế, ở thời điểm cuối năm 2015, PVcomBank có khoản đầu tư vào các trái phiếu do các tổ chức kinh tế chưa niêm yết phát hành với giá trị 11.652,3 tỷ đồng. PVcomBank đã trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư này.

Tuy nhiên, số tiền trích lập dự phòng của PVcomBank vẫn chưa đầy đủ. Nếu PVcomBank trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản đầu tư này thì lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 của của Petro Việt Nam sẽ bị giảm số tiền 64,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, PVcomBank phải thực hiện phân loại nợ và và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng.

PVcomBank cần phải bổ sung khoản dự phòng rủi ro là 42 triệu đồng. Nếu đúng quy định, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn sẽ giảm thêm 42 triệu đồng.

Như vậy, theo đánh giá của Deloitte, Petro Việt Nam cần điều chỉnh nhiều cách tính doanh thu, thu nhập. Tổng các khoản điều chỉnh này có giá trị khoảng 550 tỷ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 tại Petro Việt Nam có thể “bốc hơi” 550 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Petro Việt Nam, lợi nhuận trước thuế năm 2015 của Tập đoàn này đạt 42.892 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 64.630 tỷ đồng năm 2013. Nếu bị trừ 550 tỷ đồng, chỉ tiêu này còn 42.342 tỷ đồng.

PVcomBank là ngân hàng được hợp nhất từ Công ty Tài chính Dầu khí PVFC và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank). Sau hợp nhất, Petro Việt Nam vẫn là cổ đông lớn nhất với vốn góp 4.680 tỷ đồng (theo mệnh giá) và chiếm 52% vốn điều lệ của PVcomBank.

Cuối tháng 6, PVcomBank cho biết đã được chấp thuận chuyển 52% vốn Nhà nước Petro Việt Nam nắm giữ tại ngân hàng này về Ngân hàng Nhà nước quản lý. Như vậy, khác với phương án thoái vốn, khi chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước theo cách này, Petro Việt Nam sẽ không được nhận tiền chuyển nhượng bởi đây chỉ là chuyển vốn Nhà nước cho một đơn vị khác quản lý.

Theo Thanh Hà

VTC