|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

51 cơ sở mầm non giải thể, 41.000 giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

00:30 | 28/04/2020
Chia sẻ
TPHCM đã có 51 cơ sở mầm non giải thể, hơn 41.000 giáo viên, nhân viên, trong đó có khoảng 31.000 người ở bậc mầm non, hơn 10.000 người ở các cấp học khác bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương hoặc bị chấm dứt hợp đồng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Sở GD&ĐT TPHCM vừa báo cáo về ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến ngành giáo dục thành phố.

Theo báo cáo, có 39.000 người thuộc diện bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương. Trong đó, 29.700 giáo viên mầm non ở các trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục; 1.500 người ở trường công; còn lại là giáo viên, nhân viên cấp tiểu học, trung học.

Hơn 2.000 giáo viên khác bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 400 người có giao kết hợp đồng nhưng mất việc tại các cơ sở giáo dục khác.

Ngoài ra, thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM còn cho thấy, có tới 879 cơ sở giáo dục mầm non với gần 23.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng về lương, bảo hiểm do tác động của dịch bệnh COVID-19. Tính đến hiện tại, đã có 51 có sở mầm non ngoài công lập giải thể, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ càng khó khăn hơn cho các cơ sở công lập lẫn ngoài công lập…

51 cơ sở mầm non giải thể, 41.000 giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều giáo viên gặp khó khăn. Nhiều giáo viên đã phải làm thêm, bán hàng để mưu sinh qua mùa dịch

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, do dịch bệnh COVID-19, từ tháng 2 đến nay trẻ không đến trường, các cơ sở giáo dục không có nguồn thu hoặc nguồn thu bị sụt giảm. Trong khi các đơn vị vẫn phát sinh chi phí để duy trì hoạt động như chi phí thuê mặt bằng, trả lương cán bộ, giáo viên cơ hữu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên ngoài công lập bao gồm các trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm bồi dưỡng văn hóa; trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống, thời gian dừng hoạt động từ tháng 2 đến nay. Các cơ sở này không có doanh thu, một số nơi dạy trực tuyến nhưng tổng thu từ học phí không đủ trang trải chi phí.

Đối với một số đơn vị mới thành lập lại càng khó khăn do phải vay vốn ngân hàng để hoạt động, hàng tháng nhà trường vẫn phải chi trả tiền lãi suất; trả lương ngừng việc cho giáo viên... nên rất khó khăn. Áp lực về tài chính, nhiều cơ sở giáo dục, nhất là các đơn vị ngoài công lập, đứng trước nguy cơ phải giải thể.

Sở GD&ĐT sẽ kiến nghị với Chính phủ xem xét, hướng dẫn triển khai các giải pháp, chính sách về miễn, giảm tất cả loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế, hỗ trợ vay lãi suất 0% đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập có nhu cầu duy trì hoạt động.

Đối với Bộ GD&ĐT điều chỉnh tiến độ thực hiện chương trình dạy học, khung thời gian kết thúc năm học, việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho phù hợp với tình hình.

Đối với UBND TP, cần hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng, cung cấp đầu mối bán khẩu trang giảm giá cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục để giảm các chi phí phát sinh. Mức hỗ trợ áp dụng trên đầu học sinh hiện có và theo số lượng phòng học. TP nên có biện pháp khuyến khích các đơn vị tặng, giảm giá chi phí nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn đối với các cơ sở giáo dục.

Trước đó, TPHCM đã hỗ trợ cho hơn 30.000 người lao động tại các cơ sở mầm non ngoài công lập với mức một triệu đồng một tháng, kéo dài trong 3 tháng.

Nguyên Dũng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.