|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

5 điểm nổi bật về quy hoạch TP Thủ Dầu Một, Bình Dương

00:45 | 25/08/2024
Chia sẻ
Thủ Dầu Một là đô thị loại I, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị và dự kiến đạt 100% tỷ lệ đô thị hóa vào năm 2030. Cùng điểm qua những điểm nổi bật trong quy hoạch thành phố này.

Thủ Dầu Một hiện là đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị của tỉnh Bình Dương và một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thành phố có diện tích tự nhiên 119 km2, dân số năm 2021 là 336.705 người, mật độ dân số đạt 2.832 người/km2.

Một góc TP Thủ Dầu Một hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 100% vào năm 2030

TP Thủ Dầu Một có 14 phường trực thuộc bao gồm Chánh Mỹ, Chánh Nghĩa, Định Hòa, Hiệp An, Hiệp Thành, Hòa Phú, Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Thọ, Tân An, Tương Bình Hiệp.

Hiện nay, Thủ Dầu Một là một trong 7 thành phố thuộc tỉnh không có xã trực thuộc (cùng với Bắc Ninh, Dĩ An, Đông Hà, Sóc Trăng, Từ Sơn và Vĩnh Long).

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về tính chất, Thủ Dầu Một là trung tâm kinh tế, văn hóa và dịch vụ của khu vực Đông Nam Bộ, là đô thị thông minh, là hạt nhân của vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.

Đến năm 2025, quy mô dân số đạt khoảng 400.000 người, trong đó dân số nội thành khoảng 400.000 người; đến năm 2030 là thành phố 550.000 người, dân số nội thị khoảng 550.000 người; tỷ lệ đô thị hoá là 100%.

Bên cạnh đó, trên cơ sở đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, TP Thủ Dầu Một được chia làm 3 vùng kinh tế - sinh thái bao gồm vùng phía Bắc bao gồm thành phố mới Bình Dương và vùng phụ cận. Với định hướng phát triển thành cửa ngõ mới của Thủ Dầu Một trong tương lai khi kết nối với Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Chơn Thành - TP HCM và tuyến đường sắt.

Đây sẽ là thủ phủ hành chính, chính trị của Tỉnh cũng như là nơi tập trung các công trình, hạ tầng quan trọng trong chiến lược hình thành trung tâm Đổi mới sáng tạo của vùng. Kết hợp thành phố Thủ Dầu Một với Thành phố mới Bình Dương là Trung tâm Vùng Đổi mới sáng tạo và cũng là yếu tố quyết định để xây dựng thành phố thông minh.

Vùng phía Nam bao gồm đô thị cũ và vùng phụ cận. Trên nền không gian lịch sử của thôn Phú Cường, trung tâm huyện Bình An trước đây và là nơi tập trung phần lớn các công trình văn hóa, di tích lịch sử của thành phố Thủ Dầu Một.

Vùng phía Tây là vùng không gian phía Tây của thành phố, tả ngạn sông Sài Gòn, đối diện với Củ Chi. Với quỹ đất chưa phát triển, khu vực này sẽ là không gian động lực của một Thủ Dầu Một - thủ phủ xanh của vùng.

TP Thủ Dầu Một sẽ đạt tỷ lệ đô thị hóa 100% vào năm 2030. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Có 4 hành lang phát triển, nằm trên một trục phát triển của tỉnh Bình Dương

Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ có 4 hành lang phát triển bao gồm hai hành lang kinh tế động lực bao gồm hành lang gắn với QL 13 (đại lộ Bình Dương) và đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Đây là hai tuyến giao thông trọng điểm nối TP HCM với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

hai hành lang này sẽ bố trí Trung tâm thương mại kết hợp với giao thông (TOD) dọc tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn để trở thành các điểm nhấn của đô thị với sự kết hợp giữa công trình phức hợp cao tầng, các khu thương mại dịch vụ với việc tổ chức các nút giao thông khác cốt.

Hai hành lang sinh thái bao gồm hành lang sinh thái, nông nghiệp phía đông nam - hình thành hành lang sinh thái, vùng đệm cho TP HCM. Phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, trồng và phục hồi rừng,

Hành lang sinh thái sông Sài Gòn với chiều dài khá lớn, cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho khu vực. Hình thành các khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh gắn với cảnh quan, văn hóa, lịch sử ven sông.

Cùng với đó, thành phố còn nằm trên trục phát triển là trục đổi mới sáng tạo của tỉnh Bình Dương, lấy QL 13, đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt TP HCM - Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên - Bàu Bàng ... làm trục liên kết, phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.

Có hai tuyến vành đai đi qua, hưởng lợi từ tuyến cao tốc TP HCM - Chơn Thành 

Đối với hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của TP Thủ Dầu Một, thành phố sẽ được hưởng lợi khi tỉnh hoàn thành xây dựng tuyến cao tốc TP HCM - Chơn Thành. Cùng với đó, tuyến vành đai 3 hiện cũng đang được xây dựng qua TP Thủ Dầu Một.

Theo thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, điểm đầu của tuyến cao tốc TP HCM - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương nằm tại vành đai 3 TP HCM thuộc địa phận TP Thuận An; điểm cuối nằm tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (Km52 +247 theo lý trình dự án).

Tổng chiều dài tuyến gần 46 km.Tổng diện tích đất GPMB của dự án khoảng 322,5 ha. Về tiến độ, dự án dự kiến phê duyệt đầu tư vào quý II/2024; phê duyệt thiết kế kỹ thuật và đền bù GPMB vào quý III/2024; khởi công dự án vào quý IV/2024; thanh thải, hoàn thành dự án đến hết quý IV/2027. Thời gian thi công dự án dự kiến ba năm.

Tổng mức đầu tư dự án là 17.408 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Vốn tham gia của Nhà nước là 8.530 tỷ đồng.

Vành đai 3 TP HCM đoạn đi qua Bình Dương dài 26,6 km, tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng. Đoạn đường được thiết kế đạt chuẩn cao tốc với đường song hành hai bên. Giai đoạn đầu tuyến được đầu tư 4 làn xe và nâng lên 8 làn khi hoàn thiện.

Với tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng, Vành đai 3 TP HCM là dự án có mức đầu tư lớn nhất trong các công trình giao thông phía Nam từ trước đến nay. Tuyến đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Toàn tuyến dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics... Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển Vùng trọng điểm phía Nam.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn và khu vực thi công nút giao Bình Chuẩn trên tuyến vành đai 3 TP HCM, đoạn qua gần địa bàn TP Thủ Dầu Một. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Đối với Vành đai 4 TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1), dự án gồm hai dự án thành phần (giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp), có tổng mức đầu tư khoảng 18.247 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2026; địa điểm thực hiện dự án qua địa phận huyện Bắc Tân Uyên, TP Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, TX Bến Cát; dự kiến khởi công dự án trong năm 2024.

Dự kiến hướng tuyến, quy mô, điểm đầu tuyến tại vị trí vuốt nối đường vành đai 4 TP HCM với đầu cầu Thủ Biên thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên; điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây, TX Bến Cát, tổng chiều dài khoảng 48 km.

Bên cạnh ba tuyến đường này, Thủ Dầu Một có các trục đường chính như quốc lộ 13 (Đại Lộ Bình Dương) với lộ giới 36 m, quy mô 6 làn xe kết nối TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên; đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đã mở rộng 32 m, quy mô 6 làn xe, lộ giới quy hoạch 64 m) là con đường vận chuyển hàng hóa huyết mạch của tỉnh Bình Dương kết nối TP HCM và các KCN của tỉnh.

Đường Phạm Ngọc Thạch - Hùng Vương (quy 8 - 10 làn xe) kết nối khu đô thị hiện hữu và khu đô thị thành phố mới Bình Dương.

Thành phố còn hệ thống các đường tỉnh như ĐT 741 (Nguyễn Văn Thành), ĐT 742 (Huỳnh Văn Lũy), ĐT 743 (Phú Lợi), ĐT 744 (Nguyễn Chí Thanh), quy mô từ 4 - 6 làn xe kết nối các huyện, thị lân cận và hệ thống các đường nội thị được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện.

Ngoài ra, theo UBND TP Thủ Dầu Một, tuyến đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn thành phố có chiều dài khoảng 4,8 km (từ cầu Phú Cường đến rạch Bà Lụa).

Trong đó, 3 km đã hoàn thành xây dựng, còn 1,8 km (từ rạch Bảy Tra đến rạch Bà Lụa) đang triển khai các bước đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 2.133 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.447 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 409 tỷ đồng.

Hiện UBND TP Thủ Dầu Một đã hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Phát triển thành phố mới Bình Dương quy mô 1.000 ha

Cùng với sự phát triển hạ tầng của TP Thủ Dầu Một, dự án thành phố mới Bình Dương được chính thức được khởi công vào tháng 4/2010. Dự án này nằm trải rộng trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, TX Tân Uyên và TX Bến Cát.

Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM). Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 10 tỷ USD.

Thành phố mới Bình Dương được xem là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, tài chính của tỉnh Bình Dương, là cửa ngõ kết nối với các tỉnh lân cận trong khu vực. Dự án được phát triển theo mô hình TOD (Transport Oriented Development) - phát triển đô thị tích hợp đầu mối giao thông công cộng.

Với khoảng 1.000 ha được quy hoạch và đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, thành phố mới Bình Dương chiếm 1/4 diện tích Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương. Thành phố được chia thành các phân khu gồm trung tâm kinh tế tài chính, khu dân cư và công viên trung tâm.

Trung tâm hành chính Bình Dương cũng nằm tại thành phố mới Bình Dương. Dự án này có vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, được khánh thành vào năm 2014. Đây là trung tâm hành chính tập trung đầu tiên tại Việt Nam.

Thành phố mới Bình Dương cung cấp hơn 1,2 triệu m2 diện tích văn phòng phục vụ cho khoảng 600.000 nhân viên công sở và phục vụ nhu cầu ở của hơn 800.000 cư dân.

Bùng binh trung tâm thành phố mới Bình Dương. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Hệ thống 7 tuyến metro, có 4 tuyến qua thành phố mới Bình Dương

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2050 hệ thống 7 tuyến metro qua địa bàn TP Thủ Dầu Một, trong đó, có 4 tuyến sẽ đi qua thành phố mới Bình Dương.

7 tuyến này bao gồm tuyến số 1 (thành phố mới - Suối Tiên, TP HCM) dài khoảng 33 km, tuyến đi trên cao từ ga trung tâm thành phố mới (kết nối với ga Bình Dương của tuyến đường sắt quốc gia TP HCM - Lộc Ninh), theo đường Hùng Vương đến giao với đường ĐX 01, đi theo đường ĐX 01 đến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, qua nút giao Bình Chuẩn đi song song với đường sắt TP HCM - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng đến ga Suối Tiên.

Tuyến kết nối thành phố mới trung tâm tỉnh, Thuận An, Dĩ An với khu du lịch Suối Tiên, đồng thời cùng tuyến metro số 1 (Suối Tiên –Bến Thành) của TP HCM tạo thành tuyến metro của vùng (thành phố mới - Suối Tiên - Bến Thành).

Tuyến số 2 ( Thủ Dầu Một - TP HCM) dài khoảng 23 km, tuyến đi trên cao từ ga kết nối với tuyến metro số 1, theo đường Phạm Ngọc Thạch, đến giao với QL 13, đi theo QL 13 TP Thuận An, qua Vĩnh Bình kết nối với tuyến metro số 3B trong tương lai của TP HCM tại khu vực ngã 4 Bình Phước kết nối vào trung tâm TP HCM.

Giai đoạn 2031 - 2050, tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến số 2B (Thủ Dầu Một - TX Bến Cát) dài khoảng 14,5 km, tuyến đi trên cao từ ga kết nối với tuyến metro số 2 tại Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, chạy song song với QL 13, đến ga kết nối với tuyến metro số 4, số 8 tại Thới Hòa, TX Bến Cát.

Tuyến số 3B (Thủ Dầu Một - Biên Hòa) dài khoảng 16,5 km, tuyến đi trên cao từ ga kết nối với tuyến metro số 2, theo đường Phú Lợi (ĐT 743A), tiếp tục kết nối với tuyến metro số 1, số 3, tiếp tục chạy song song với ĐT 747A, kết nối qua Đồng Nại và điểm cuối kết nối với tuyến metro ven sông Cái của Đồng Nai tại sân bay Biên Hòa.

Tuyến số 4 (Tân Uyên - thành phố mới - TX Bến Cát) dài khoảng 32,6 km, từ trung tâm TP Tân Uyên, đi theo ĐT 742C; ĐT 748 tới TX Bến Cát, tuyến kết nối khu vực phía đông qua trung tâm tỉnh sang khu vực phía Tây, đồng thời trung chuyển qua tuyến số số 1, số 2, số 3 về TP HCM.

Tuyến số 5 (Bắc Tân Uyên - thành phố mới - TX Bến Cát) dài khoảng 31,2 km, tuyến đi trên cao, từ trung tâm Bắc Tân Uyên chạy song song với Vành đai 4 TP HCM tới TP Tân Uyên, thành phố mới, TX Bến Cát, kết nối khu vực phía đông qua trung tâm tỉnh sang khu vực phía tây, đồng thời trung chuyển qua tuyến số 1, số 2, số 3 về TP HCM.

Tuyến số 6 (thành phố mới - Bến Cát - Bầu Bàng) dài khoảng 25 km, tuyến đi trên cao từ ga trung tâm thành phố mới kết nối với tuyến số 1, đi song song với tuyến đường sắt quốc gia TP HCM - Lộc Ninh, đến trung tâm huyện Bàu Bàng, tuyến kết nối trục dọc của tỉnh Bình Dương, đồng thời chuyển tuyến qua tuyến số 1 về TP HCM.

Đối với bất động sản của thành phố Thủ Dầu Một, theo quy hoạch, các khu vực định hướng phát triển đô thị mới bao gồm khu đô thị ven sông Sài Gòn tại phường Chánh Nghĩa (47 ha) (Khu phức hợp trường học, bệnh viện, khu biệt thự nghĩ dưỡng - đô thị Thành Nguyên).

Khu đô thị mới 13,5 ha phường Chánh Nghĩa; trung tâm thương mại - dịch vụ - đô thị (1,7 ha) tại góc giao lộ Phạm Ngọc Thạch - Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành; khu đô thị mới phường Tân An (336 ha); khu đô thị mới Cầu xoay (17,5 ha) nằm tại phường Tương Bình Hiệp.

Khu đô thị mới số 1 TOD theo tuyến xe buýt nhanh dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn (46 ha) nằm tại phường Phú Lợi và Phú Mỹ; khu thương mại - dịch vụ - đô thị (31,5 ha) tại phường Hiệp Thành; khu đô thị và dịch vụ Phú Hoà (198 ha) tại phường Phú Hoà. 

Hải Quân