|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

40.000 tỉ nợ thuế khó đòi: Khoanh rồi, nợ vẫn tăng

11:21 | 08/11/2019
Chia sẻ
Tính đến hết tháng 10/2019, tổng số tiền tổ chức, doanh nghiệp nợ thuế không còn khả năng thu hồi trên cả nước gần 40.000 tỉ đồng, chiếm gần 48% tổng tiền thuế nợ.

Số nợ này đã tăng gần 10% so với cùng kì năm 2018. Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về xử lí nợ trên theo trình tự, quyết tâm không để nợ thuế tăng thêm.

avatar_1573173638368

Người dân kê khai, nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội

Sau một năm, tăng thêm gần 4.000 tỷ

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tổng số tiền tổ chức, doanh nghiệp nợ thuế tính đến cuối tháng 10/2019 gần 83.400 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng trên 9% so với thời điểm 31/12/2018.

Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 43.543 tỷ đồng, chiếm 52,2% tổng số tiền nợ thuế. 

Đáng chú ý, tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 39.848 tỷ đồng, chiếm gần 48% tổng số tiền thuế nợ. Số nợ này đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong số các nguyên nhân dẫn đến nợ thuế, đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, với trường hợp xóa nợ cho doanh nghiệp đã nợ thuế quá 10 năm, cơ quan thuế phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế, bắt buộc phải thực hiện đầy đủ 7 biện pháp cưỡng chế, gồm: 

Trích tiền tài khoản, phong tỏa tài khoản, thu từ tiền lương, tiền công, dừng làm thủ tục hải quan, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, thu từ bên thứ 3, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.

Trên thực tế, cơ quan quản lý thuế mới thực hiện cưỡng chế lần lượt bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa các tài khoản của người nộp thuế tại các ngân hàng thương mại, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. 

Sau những bước cưỡng chế này, hầu như các doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất khả năng kinh doanh, không còn tài sản ở nơi đăng ký kinh doanh, nhiều người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, chết, mất tích... Do vậy, cơ quan quản lý thuế không thể thực hiện tiếp các biện pháp cưỡng chế còn lại theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Xóa nợ cho doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp chết...

Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. 

Nghị quyết này nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và được thực hiện trong 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hàng chục nghìn trường hợp nộp thuế là cá nhân, doanh nghiệp đã chết, mất tích, phá sản, không còn khả năng nộp thuế, nhưng vẫn bị tính tiền chậm nộp là 0,03%/ngày (theo Luật Quản lý thuế hiện tại), dẫn đến số nợ thuế ảo ngày càng cao. 

Trong khi đó, Luật Quản lý thuế sửa đổi mới được Quốc hội Kỳ họp thứ 7 thông qua mới đây, chỉ có quy định xử lý nợ thuế đối với các khoản nợ thuế từ ngày 1/7/2020, còn trước đó không áp dụng. Do vậy, Quốc hội cần ban hành nghị quyết riêng để giải quyết triệt để vấn đề này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTC-NS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTC-NS đã cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết xóa nợ thuế của Chính phủ. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết vẫn cần cân nhắc kéo dài thêm về thời gian xóa nợ, hiện nay chỉ quy định trong vòng 3 năm.

Cũng theo ông Hải, để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật, UBTC-NS đang đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề chính, gồm: Sự cần thiết ban hành nghị quyết, nguyên tắc xử lý nợ, đối tượng được xử lý nợ, các biện pháp xử lý nợ. Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết trên.

Tuấn Nguyễn