|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

36 doanh nghiệp sắp trả cổ tức tiền mặt, cao nhất 30 – 35%

16:11 | 14/05/2022
Chia sẻ
Trong tuần từ 17/5 đến 23/5, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 35 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt và một doanh nghiệp chốt quyền cổ tức bằng cổ phiếu.

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:

Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) dự kiến trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 15%, tương đương 1.500 đồng/cp. Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) và ngày thanh toán lần lượt là 17/5 và 9/6.

Viglacera hiện có 448,35 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên tổng công ty sẽ cần chi khoảng 672 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

 

Công ty mẹ của Viglacera là Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) đang nắm giữ 50,2% vốn và sẽ được nhận khoảng 338 tỷ đồng. Cổ đông Nhà nước là Bộ Xây dựng đang sở hữu 38,58% vốn của Viglacera nên sẽ nhận gần 260 tỷ đồng.

Kết phiên thứ Sáu 13/5, cổ phiếu VGC giảm kịch sàn còn 34.600 đồng/cp. Toàn thị trường có tới 340 mã đóng cửa trong giá xanh lơ phiên cuối tuần vừa qua. Biểu đồ dưới đây cho thấy VGC đã sụt gần 38% trong một tháng gần đây.

Trong kỳ đánh giá tháng 5/2022, tổ chức cung cấp chỉ số Morgan Stanley Capital International (MSCI) đã loại VGC và 7 cổ phiếu khác là VND, SSI, DPM, FLC, KDH, DIG và DGC khỏi chỉ số MSCI Frontier Markets Small Cap Index.

Cổ phiếu GEX và VGC cùng giảm sàn trong phiên 13/5/2022, giống như 338 cổ phiếu khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tập đoàn Gelex (công ty mẹ của Viglacera) dự định trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt 500 đồng/cp. Phương án này vừa được đại hội cổ đông thường niên của Gelex ngày 12/5 thông qua. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán chưa được xác định. Phiên 13/5, cổ phiếu GEX cũng giảm kịch sàn, kết phiên ở 20.600 đồng/cp.

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã: NTP) có kế hoạch trả cổ tức đợt 2/2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, tức là nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu NTP sẽ được nhận 1.000 đồng. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 18/5 và 31/5.

Tổng số tiền công ty cần chi ra trong đợt cổ tức này là gần 118 tỷ đồng. Trong đợt 1/2021, Nhựa Tiền Phong đã trả tiền mặt 1.500 đồng/cp, tương đương gần 177 tỷ đồng.

Quý I năm nay, Nhựa Tiền Phong báo lãi sau thuế 149,5 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2021.

Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) là hai doanh nghiệp lớn ngành nhựa.

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) dự kiến trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 30%, tương ứng 3.000 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 19/5 và 8/6.

Công ty hiện có hơn 57,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, trong đó 50,75 triệu cổ phiếu phổ thông và 7,19 triệu cổ phiếu ưu đãi. Đợt cổ tức này chỉ áp dụng cho cổ phần phổ thông nên SCS sẽ cần chi tổng cộng 152 tỷ đồng.

Hai cổ đông lớn nhất của SCS hiện nay là Công ty cổ phần Gemadept (Mã: GMD) và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV). Năm 2019 và 2020, SCS đều trả cổ tức bằng tiền mặt 8.000 đồng/cp.

Quý I vừa qua, SCS ghi nhận lãi sau thuế 187,5 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi thuần 76,3% như thể hiện trong thống kê dưới đây. Biên lợi nhuận của SCS rất cao vì công ty có giá vốn hàng bán thấp và không có chi phí tài chính hay chi phí bán hàng.

SCS là một trong những doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao trên sàn chứng khoán.

CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D) dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 35%, tương đương 3.500 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 23/5 và 2/6.

CTCP Cơ Điện Lạnh (Mã: REE) dự định trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Ngày GDKHQ là 17/5.

Hiện nay REE có 305,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành (không kể cổ phiếu quỹ) nên công ty sẽ cần phát hành thêm khoảng 46 triệu cổ phiếu mới.

Trong những tuần gần đây, cổ phiếu REE diễn biến tương đối tích cực bất chấp thị trường chung đỏ lửa. Phiên 11/5, REE đóng cửa ở đỉnh lịch sử 92.600 đồng/cp. Tuy vậy, trong hai phiên 12 và 13/5, REE cũng giảm sâu theo xu hướng chung, hiện dừng ở 81.000 đồng/cp.

 

Song Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.