|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

237 triệu cp Tổng Công ty Dược Việt Nam sẽ lên UPCoM vào ngày 19/05

11:24 | 13/05/2017
Chia sẻ
Sở GDCK Hà Nội (HNX) thông báo ngày 19/05 tới đây là ngày giao dịch đầu tiên của Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm, UPCoM: DVN).

Theo đó, 237 triệu cp DVN sẽ được chính thức giao dịch ngày đầu tiên 19/05 tại mức giá tham chiếu 10,400 đồng/cp.

Trước đó, ngày 22/06/2016, đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ - Tổng Công ty ty Dược Việt Nam (Vinapharm) đã diễn ra với tỷ lệ thành công 100%, có 175 nhà đầu tư trúng thầu thu về gần 444 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại thì DVN có hai cổ đông lớn là Bộ Y tế sở hữu 65% và Tập đoàn Việt Phương sở hữu 17%.

Tổng công ty Dược Việt Nam là một doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con căn cứ Quyết định số 2335/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 30/6/2010 về việc chuyển Tổng công ty Dược Việt Nam thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con.

Hiện nay, DVN hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế; nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược.

Hoạt động đầu tư vào công ty con, công ty liên kết mang lại phần lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận của Vinapharm. Trước cổ phần hóa, Tổng Công ty đầu tư vốn tại 4 công ty con, 11 công ty liên kết và đầu tư tài chính dài hạn tại 8 công ty khác. Giá trị đầu tư của Tổng Công ty vào các công ty con, công ty liên kết theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp là 1.547 tỷ đồng.

Từ 2013 đến 2015, nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh các mặt hàng dược mỹ phẩm và thiết bị y tế, doanh thu thuần của công ty mẹ - Tổng Công ty Dược Việt Nam tăng khá nhanh, từ 117,3 tỷ đồng trong năm 2013 lên 139,7 tỷ đồng năm 2014 và 204,1 tỷ đồng năm 2015. Với lợi nhuận sau thuế trong 3 năm của Vinapharm lần lượt đạt 80,7 tỷ đồng; 136 tỷ đồng và 129 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, Tổng Công ty dự kiến đầu tư và triển khai các dự án đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm của ngành Dược bao gồm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược, phát triển vùng dược liệu, sản xuất nguyên liệu dược, khám chữa bệnh…

Sau cổ phần hóa, Tổng Công ty tiếp tục quản lý vốn đầu tư tại các công ty thành viên và đưa ra các giải pháp để phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các đơn vị.

Các dự án đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2020 gồm có: Trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược, cơ sở khám chữa bệnh, vùng dược liệu quy mô lớn (khoảng 30,000 ha) đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu (GACP) và 1 nhà máy chiết xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP, nhà máy sản xuất nguyên liệu dược mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất dược trong nước.

Phương Châu