Gia Lai dự kiến thu hút hơn 720.000 tỷ đồng đầu tư vào năng lượng tái tạo
Theo thông tin từ Báo Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 163 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 21.875 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 539.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 16 dự án điện gió đang được triển khai xây dựng, Gia Lai thu hút được nguồn lực đầu tư đáng kể với hơn 40.000 tỷ đồng.
Các công trình điện gió đã đóng góp rất lớn vào thu ngân sách của tỉnh, cụ thể, trong năm 2021, dù dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách của tỉnh Gia Lai vẫn đạt hơn 7.880 tỷ đồng, đạt 156,15% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, riêng khoản thu từ các công trình điện gió đạt trên 2.100 tỷ đồng.
Qua khảo sát, đánh giá nguồn năng lượng tái tạo có khả năng khai thác và sử dụng, tỉnh Gia Lai có thể phát triển các dự án điện mặt trời, quy mô công suất có thể đạt khoảng 7.500 MW; các dự án điện gió với quy mô công suất có thể đạt khoảng 11.950 MW.
Hiện có 176 dự án điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 720.000 tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới các dự án về năng lượng tái tạo trên 3.000 MW-3.500MW với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỷ đồng, trong đó có 1.242 MW được triển khai năm 2021. Các dự án còn lại tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành sau năm 2021 và những năm tới, gồm: Thủy điện Ia Ly thêm 360 MW, điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời nổi 550 MW, điện gió và điện sinh khối, thủy điện 1.400 MW. Ngoài ra, Gia Lai sẽ tập trung triển khai 4 dự án lưới điện 500 kV; 5 dự án lưới điện 220 kV; lưới điện 110 Kv…
Đến năm 2030, Gia Lai đặt mục tiêu thu hút 1.500 MW điện năng lượng tái tạo, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới để góp phần cung cấp năng lượng điện quốc gia, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế¬xã hội 10 năm 2021-2030.
Để thực hiện mục tiêu đó, thời gian tới, Gia Lai sẽ thu hút, tạo các điều kiện cho nhà đầu tư khởi công đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thêm các nhà máy thủy điện, điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời nổi, điện gió, điện sinh khối.
Đồng thời, tỉnh còn khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải, đặc biệt là đầu tư xây dựng các trạm biến áp 500 KV, phù hợp với Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia, để đáp ứng được yêu cầu giải tỏa công suất cho các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống điện.