15 doanh nghiệp tồn kho bất động sản hơn 71.000 tỷ đồng
Nửa đầu năm 2016, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thống kê thị trường Hà Nội có khoảng 7.800 giao dịch thành công, tại TP.HCM là khoảng 7.500 giao dịch. Tồn kho bất động sản cũng giảm khoảng 26% so với năm trước. Các giao dịch phần lớn tập trung tại những dự án nhà ở trung và cao cấp, nguồn cung nhà ở cho phân khúc này khá lớn, đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của 15 doanh nghiệp bất động sản niêm yết, tính đến thời điểm 30/6/2016, tổng tồn kho là 71.380 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm.
Hầu hết tồn kho là các dự án bất động sản đang xây dựng dở dang; quỹ đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc bất động sản hàng hóa. Sản phẩm gồm chung cư, căn hộ để bán, biệt thự, nhà phố thương mại....Thống kê cho thấy lượng tồn kho này chủ yếu tập trung vào các phân khúc cao cấp (các dự án Vingroup, Nhà Khang Điền, Phát Đạt).
Đơn vị: tỷ đồng |
So với đầu năm, tồn kho của 6 doanh nghiệp giảm, 8 doanh nghiệp tăng, duy nhất Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) không biến động. Đất Xanh Group (DXG) có lượng tồn kho bất động sản giảm mạnh nhất với mức giảm 16%. Tăng mạnh nhất thuộc về Năm Bảy Bảy (NBB) với 44%.
Tập đoàn Vingroup (VIC) vẫn là doanh nghiệp đứng đầu thị trường về lượng tồn kho, lên tới 26.934 tỷ đồng do đang trong quá trình đầu tư hàng loạt các dự án trên cả nước. Trong khi đó, Licogi 16 (LCG) có mức tồn kho thấp nhất 377 tỷ đồng.
Về tỷ lệ tồn kho/tổng tài sản, Địa ốc Phát Đạt (PDR) hiện đang ở mức cao nhất, lên tới 76%.
Top 5 công ty có tỷ lệ tồn kho BĐS/tổng tài sản lớn còn có nhà Khang Điền (KDH), nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC), Nam Long (NLG), Quốc Cường Gia Lai (QCG) và Đầu tư Kinh Bắc (KBC).
Vingroup dù có con số tồn kho lớn nhất thị trường nhưng chỉ chiếm 17% tổng tài sản và có tỷ lệ tồn kho/tổng tài sản ở top cuối, cùng với Licogi16 (LCG), Nhà Thủ Đức (TDH) và Địa ốc Hoàng Quân (HQC).
Thống kê tồn kho của 5 doanh nghiệp theo giá trị, Vingroup gồm có 28 dự án tồn kho dở dang dài hạn.
Đơn vị: tỷ đồng |
|
6 tháng cuối năm, tại TPHCM, CBRE nhận định phân khúc bình dân và trung cấp có mức giá vừa phải vẫn sẽ tiếp tục phát triển, không bị ảnh hưởng nhiều, và không có những thay đổi đột biến. Phân khúc cao cấp được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong nữa cuối năm 2016.
Tại Hà Nội, CBRE kỳ vọng sẽ duy trì tích cực với mức độ cẩn trọng trong năm 2016. Những dự án mới hoặc tái khởi động sẽ tiếp tục mở bán ra thị trường, nhưng tốc độ có thể chỉ ở mức ngang bằng với năm ngoái. Nhu cầu mua để ở và mua để đầu tư cho thuê lại sẽ dẫn dắt thị trường.
Trái ngược với nhận định lạc quan của CBRE, tại một hội nghị mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định thị trường đang lệch pha nguồn cung. Cụ thể, nguồn cung căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng nhiều hơn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. "Nếu thực hiện hết các dự án bất động sản thì có khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, chúng ta sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp.Trong khi đó nguồn cầu lớn nhất trên thị trường hiện nay là nhà thu nhập thấp", Bộ trưởng Hà lo ngại.
Trước thực trạng tăng giá ở một số dự án, Bộ trưởng Hà cho rằng, dư luận có nhiều ý kiến về việc tăng giá sản phẩm do tác động của nhà đầu tư thứ cấp dẫn đến thị trường đã bắt đầu có đầu cơ. Dự án tăng từ 3-7%, cục bộ ở một số dự án tăng giá cao hơn rất nhiều. Đây là kết quả của đầu cơ, của một số đơn vị bán hàng đẩy giá.