|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

13 doanh nghiệp BĐS nợ gần 600.000 tỉ đồng

11:36 | 12/03/2020
Chia sẻ
Theo thống kê, tổng nợ phải trả của 13 doanh nghiệp bất động sản tính đến hết quí IV/2019 là 593.385 tỉ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018.

Nợ phải trả tăng 46% trong năm 2019

Theo thống kê tình hình nguồn vốn giai đoạn 2018 - 2019, nợ phải trả của các doanh nghiệp bất động sản có xu hướng phình to. Tổng nợ phải trả của 13 doanh nghiệp trong danh sách khảo sát dưới đây tính đến hết quí IV/2019 là 593.385 tỉ đồng, tăng 187.820 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm, tương đương với tỉ lệ tăng là 46%.

Trong đó, nợ ngắn hạn là 381.425 tỉ đồng, tăng 151.620 tỉ đồng so với giá trị tại thời điểm 31/12/2018, tương đương tỉ lệ tăng 66%. Nợ dài hạn là 211.960 tỉ đồng, tăng 24% so với đầu kì, đạt 40.917 tỉ đồng.

(Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp từ BCTC)

Không chỉ gia tăng về số tuyệt đối, tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bất động sản cũng có xu hướng tăng.

Dẫn đầu nhóm hệ số vay nợ cao nhất là Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG) với tỉ lệ nợ/VCSH lên tới 3,21 lần. Theo BCTC hợp nhất quí IV/2019, nợ phải trả của Hà Đô là hơn 10.211 tỉ đồng, trong đó nợ vay có tính lãi là 5.820 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ phải trả (57%). Theo sau Hà Đô là Vingroup (mã: VIC) với tỉ lệ nợ/VCSH ở mức 2,39 lần. 

Trong xu hướng đối lập, một số doanh nghiệp duy trì đòn bẩy tài chính ở mức thấp như CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã: KDH) với tỉ lệ nợ/VCSH ở mức 0,72 lần, CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) - 0,74 lần, CTCP Đầu tư LDG - 0,87 lần.

Nợ vay ngân hàng ngắn hạn và dài hạn đồng loạt tăng

Tăng vay nợ, doanh nghiệp BĐS vẫn báo lãi tăng trưởng - Ảnh 1.

(Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp từ BCTC)

Tính đến cuối năm 2019, tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn ngân hàng của 13 doanh nghiệp BĐS đạt 21.596 tỉ đồng, tăng 34% so với cuối năm 2018. 

Trong đó, một số doanh nghiệp có khoản tín dụng ngân hàng ngắn hạn tăng cao như CTCP Vinhomes (mã: VHM) tăng 177 lần, lên tới 3.894 tỉ đồng, CTCP Tập đoàn FLC tăng 1.740 tỉ đồng, CTCP Tập đoàn Hà Đô tăng 653 tỉ đồng.

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp giảm nợ vay ngắn hạn ngân hàng như CTCP Tập đoàn Vingroup giảm 1.587 tỉ đồng, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va giảm nhẹ 27 tỉ đồng, còn 1.761 tỉ đồng.

Tăng vay nợ, doanh nghiệp BĐS vẫn báo lãi tăng trưởng - Ảnh 2.

(Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp từ BCTC)

Theo số liệu tổng hợp, tổng giá trị các khoản vay dài hạn ngân hàng của các doanh nghiệp nói trên tăng 8.971 tỉ đồng lên 30.114 tỉ đồng, tương ứng với tỉ lệ tăng 42% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản nợ vay dài hạn ngân hàng của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va tăng 8.822 tỉ đồng lên 12.764 tỉ đồng, tương ứng với tỉ lệ tăng 224%.

Ở chiều ngược lại, nợ vay dài hạn ngân hàng của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - Becamex (mã: BCM) ghi nhận giảm 638 tỉ đồng; CTCP Tập đoàn FLC giảm 440 tỉ đồng.

Ngân hàng siết mạnh tín dụng, doanh nghiệp BĐS tăng huy động thông qua phát hành trái phiếu

Bên cạnh các khoản nợ vay ngân hàng, thị trường trái phiếu BĐS được xem là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng nhằm giải quyết bài toán vốn cho các doanh nghiệp BĐS. 

Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp BĐS đã đẩy nhanh tốc độ huy động vốn trên thị trường trái phiếu trong bối cảnh các qui định sắp tới có thể sẽ siết chặt hơn điều kiện phát hành trái phiếu đối với doanh nghiệp.

Nguồn: HNX, SSI tính toán

Theo báo cáo của CTCK SSI, trong năm ngoái, các ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp BĐS là những tổ chức phát hành trái phiếu chính trên thị trường. Các doanh nghiệp BĐS đã phát hành 106.531 tỉ đồng trái phiếu, đứng thứ hai với tỉ trọng 38%. 

Đáng chú ý, bất động sản cũng là nhóm doanh nghiệp có lãi suất trái phiếu bình quân cao nhất (10,3%).

Lượng tồn kho tăng 49%

Tình hình vay nợ và tồn kho của các doanh nghiệp BĐS niêm yết năm 2019 - Ảnh 5.

(Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp từ BCTC)

Tính đến 31/12/2019, hàng tồn kho của các doanh nghiệp BĐS niêm yết có giá trị gần 252.432 tỉ đồng, tương đương với tỉ lệ tăng 49% so với cùng kì năm trước.

Vingroup đứng đầu với giá trị tồn kho, tăng 29.700 tỉ đồng lên mức 83.273 tỉ đồng tính từ đầu năm. Trong đó, các dự án bất động sản đang xây dựng có giá trị 69.644 tỉ đồng và các dự án bất động sản sẵn sàng để bán là 959 tỉ đồng. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của hàng tồn kho, chỉ tiêu vòng quay hàng tồn kho của Vingroup giảm còn 1,34 lần (so với con số 1,67 lần trong năm 2018).

Với Vinhomes, công ty con của Vingroup, giá trị tồn kho ghi nhận riêng tại thời điểm 31/12 là 60.075 tỉ đồng (tương ứng tăng 63% so với đầu kì). Dễ thấy, riêng giá trị tồn kho của hai ông lớn họ nhà Vin chiếm 57% tổng giá trị tồn kho của nhóm doanh nghiệp trên.

Địa ốc No Va đứng thứ ba về giá trị hàng tồn kho, đạt 57.206 tỉ đồng. Vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp trong năm 2019 cũng không được cải thiện so với năm 2018, giảm từ 0,35 lần xuống còn 0,18 lần.

Giai đoạn 2018-2019, CTCP Tập đoàn FLC không có nhiều sự thay đổi về giá trị hàng tồn kho, duy trì ở mức 1.600-1.700 tỉ đồng. Bên cạnh đó, vòng quay hàng tồn kho của FLC diễn biến khá tích cực, tăng 2,87 lần lên mức 9,79 lần.

Kết quả kinh doanh vẫn ghi nhận tăng trưởng

Tình hình vay nợ và tồn kho của các doanh nghiệp BĐS niêm yết năm 2019 - Ảnh 6.

(Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp từ BCTC)

Theo kết quả thống kê, kết thúc quí IV/2019, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trong danh sách khảo sát trên đã ghi nhận hơn 245.066 tỉ đồng doanh thu và 46.571 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức tăng lần lượt 12% và 38,5% so với năm 2018.

Ngoại trừ CTCP Đầu tư LDG giảm lãi nhẹ (tương ứng giảm 0,1%), 12 doanh nghiệp còn lại đều báo lãi tăng trưởng so với năm 2018.

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng vẫn là điều đáng quan tâm. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án, hoặc định giá lại tài sản,...và không phát sinh dòng tiền vào doanh nghiệp.

Thanh Tùng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.