|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

11 dự án bị đề nghị thu hồi ở quận Thanh Xuân: Nhiều chiêu 'câu giờ' của chủ đầu tư

08:18 | 19/06/2018
Chia sẻ
Phần lớn các dự án sau thời gian dài “án binh bất động” và đã hết thời hạn triển khai theo quy định, các chủ đầu tư lại tung ra nhiều chiêu “câu giờ” nhằm giữ lại dự án. Trong đó, phổ biến là các chiêu đề xuất thay đổi quy hoạch, thiết kế, hoặc vừa làm vừa… “lấy hơi”.
11 du an bi de nghi thu hoi o quan thanh xuan nhieu chieu cau gio cua chu dau tu
Dự án 21 Lê Văn Lương trong diện bị đề nghị thu hồi.

Nhiều dự án chỉ nằm trên giấy

Giữa tháng 5/2018, Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội đã có buổi làm việc với quận Thanh Xuân về tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng quận này, đến hết năm 2017, Thanh Xuân có 19 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, có 2 dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 11 dự án đã bàn giao đất nhưng chủ đầu tư không triển khai dự án; 6 dự án có vướng mắc do nguyên nhân khác như chủ đầu tư đang đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án chưa được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo quận Thanh Xuân kiến nghị UBND Thành phố thanh tra thu hồi 11 dự án đã bàn giao đất nhưng chủ đầu tư không triển khai. Đa số các dự án này chỉ nằm trên giấy vì chưa giải phóng mặt bằng, thậm chí còn chưa xác định rõ mốc giới của khu đất, dự án được phê duyệt đầu tư.

Đơn cử, Dự án Bệnh viện đa khoa Thanh Xuân của CTCP Bệnh viện Thanh Xuân nằm trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân được phê duyệt với quy mô 200 giường trên diện tích 1,5 ha, tổng số vốn đầu tư ước khoảng 270 tỷ đồng.

11 du an bi de nghi thu hoi o quan thanh xuan nhieu chieu cau gio cua chu dau tu
Dự án 109 Trường Chinh của Công ty Hồng Hà gần 20 năm vẫn là khu đất hoang

Ngày 15/7/2009, đơn vị trúng thầu được công bố là Liên danh CTCP Y khoa Đức Việt, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Trí Đức với thời gian đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án đưa vào vận hành khai thác là 34 tháng kể từ ngày được bàn giao đất. Tuy nhiên, phải đến 2 năm sau (ngày 2/5/2012), Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội mới bàn giao mốc và biên bản xác định mốc giới.

Sau đó, đến ngày 3/7/2012, sau hơn 3 năm kể từ khi trúng thầu, dự án Bệnh viện đa khoa Thanh Xuân được chuyển giao cho chủ đầu tư mới là CTCP Bệnh viện Thanh Xuân thay thế liên danh cũ. Vậy nhưng, cho đến nay, đã 9 năm kể từ khi được phê duyệt, dự án vẫn chỉ là một khu đất trống, gây nhiều bức xúc cho người dân trên địa bàn.

Cũng nằm trong “danh sách đen” dự án chậm tiến độ là Dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower tại số 21 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính do Tổng công ty Thành An và CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích sử dụng 4.681 m2 đất, trong đó Tổ hợp văn phòng là 2.104 m2, bao gồm tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao 30 tầng.

Tháng 11/2009, Thành An và Công ty Ba Đình đã cùng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo đó, Thành An góp vốn bằng quyền sử dụng đất có mặt bằng diện tích là 4.910 m2, còn bên Công ty Ba Đình góp vốn bằng các chi phí đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác dự án.

11 du an bi de nghi thu hoi o quan thanh xuan nhieu chieu cau gio cua chu dau tu
Khu đất dự án Vacvina được “xẻ thịt” chia thành các ki ốt kinh doanh

Được hợp tác từ năm 2009 nhưng theo đại diện Cục thuế Hà Nội, phải đến tháng 7/2016 chủ đầu tư mới hoàn thành nghĩa vụ thuế và phải đến tháng 3/2017 dự án mới có được giấy phép xây dựng. Dù dự án chưa đủ tính pháp lý nhưng năm 2015 chủ đầu tư đã huy động vốn của hàng chục nhà đầu tư với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, dù dự án vẫn trong tình trạng “ngủ quên”, trong thời gian dài không có hoạt động xây dựng nhưng chủ đầu tư nhiều lần gửi công văn cho các nhà đầu tư để chuyển đổi hợp đồng đặt mua sang hợp đồng mua bán với mục đích huy động thêm vốn.

Trước thực trạng trên, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, bà Phùng Thị Hồng Hà đã đề nghị quận Thanh Xuân cần khẩn trương rà soát lại số liệu, phân tích, đánh giá kỹ các dự án để có đủ căn cứ, số liệu chặt chẽ làm cơ sở xử lý. Quận cũng cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong công tác quản lý, chỉ rõ nguyên nhân vi phạm của từng dự án, trách nhiệm của từng đơn vị.

Đủ chiêu “câu giờ” dự án

Một trong những “chiêu” được các chủ đầu tư đưa ra khi gần đến hạn chót triển khai dự án là điều chỉnh, thay đổi thiết kế, thậm chí có những đề nghị thay đổi không đúng luật nhưng cũng trình lên và chờ trả lời để kéo dài thời gian.

Đơn cử, tại Dự án 21 Lê Văn Lương, theo Quyết định số 4124/QQĐ-UBND (năm 2011) có quy định: “Sau 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất, nếu không sử dụng đất hoặc tiến độ thực hiện dự án chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư và sử dụng đất không đúng mục đích thì Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ trình UBND Thành phố thu hồi theo quy định của Luật Đất đai”.

Tuy nhiên, ngày 29/6/2011, Tổng công ty Thành An có Quyết định số 03/QĐ-TA về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower tại 21 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Điều đáng nói là tại quyết định này, tầng hầm đã được Công ty Thành An nâng tầng từ 2 lền 3 tầng.

Tiếp đó, ngày 3/4/2015, Tổng công ty Thành An đăng ký bản đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, liên tiếp có Văn bản số 56/2015/CV-BĐ ngày 3/4/2015 và Văn bản số 13/BC-BĐ/2015 ngày 5/4/2015 về dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower.

Theo đó, 4 năm sau (ngày 11/6/2015) UBND TP. Hà Nội phải cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh lần thứ 1 cho Tổng công ty Thành An, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ quý III/2014 đến quý I/2018. Đồng thời, nhấn mạnh: “các nội dung khác quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000982 do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 29/4/2011 không thay đổi”.

Tức là chỉ bằng một chiêu đề xuất điều chỉnh, thời hạn thực hiện dự án đã được kéo dài thêm 4 năm!

Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2018 dự án mới được khởi công, nhưng với một đơn vị “phát triển dự án” là CTCP Landmark Holding, dự án cũng được quảng cáo tăng mạnh diện tích đối đa của căn hộ so với thiết kế cũ, trong khi số căn giữ nguyên!?

Một dự án khác là công trình “Tòa nhà YO” (Tòa nhà văn phòng Trung ương Hội làm vườn Việt Nam) ở 85 Ngụy Như Kon Tum, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2010. Dự tính thời gian thực hiện là 18 tháng, thế nhưng cho đến nay đã 8 năm trôi qua dự án này vẫn đang bất động.

Trước đó, năm 2008, UBND TP. Hà Nội đã ký duyệt cho Hội làm vườn Việt Nam - VACVINA được lập dự án đầu tư sử dụng 1.400 m2 đất ngã tư đường Lê Văn Thiêm - Ngụy Như Kon Tum.

Tháng 2/2008, CTCP Đầu tư Lạc Hồng cùng với 4 đơn vị tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu liên doanh với Trung ương Hội làm vườn Việt Nam để góp vốn xây dựng trụ sở và văn phòng cho thuê của Hội.

Công ty Lạc Hồng đã thuê một công ty của Nhật để thiết kế và lấy tên công trình là Tòa nhà YO với ý nghĩa là “Vầng thái dương” theo tiếng Nhật. Tòa nhà YO cao 17 tầng, có 1 tầng hầm và 1 tầng kỹ thuật, diện tích sàn là 10.000 m2 với tổng mức đầu tư là 135 tỷ đồng. Tuy nhiên, “Vầng thái dương” đã ngủ quên nhiều năm và được xẻ ra để chia thành các ki ôt cho thuê kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, hầu hết các dự án bị đề nghị thu hồi đều rơi vào cảnh chủ đầu tư không đủ năng lực, không giải phóng được mặt bằng. Trường hợp đã có được diện tích đất để triển khai dự án thì chậm trễ, và hình thức kéo dài “thời gian sống” cho dự án của họ là gửi các văn bản đề nghị điều chỉnh, thay đổi thiết kế, tổng mặt bằng dự án, thay đổi giấy phép bổ sung…

Ở một góc độ khác chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Dự án không thực hiện được có nhiều nguyên nhân, việc thấy rõ nhất là chủ đầu tư không đủ vốn. Nhưng họ vẫn tìm nhiều cách “ôm” dự án, để có thể đầu cơ khi nào lên giá rồi chuyển nhượng cho người khác. Hơn nữa, có thể trong nội bộ của chính chủ đầu tư có vấn đề, không thống nhất trong đầu tư dẫn đến trục trặc. Có thể họ đã mất nhiều công sức, tiền bạc để có dự án nên cố giữ bằng mọi cách”.

Xem thêm

Nhất Nam