|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

10 địa phương có IIP tăng trưởng cao nhất cả nước 8 tháng đầu năm 2024

17:00 | 09/09/2024
Chia sẻ
8 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở hai địa phương trên cả nước. Trong đó có nhiều địa phương tăng trưởng cao như: Trà Vinh, Khánh Hoà, Phú Thọ, Lai Châu,...

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 ước tính tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, cùng kỳ năm 2023 giảm 0,4%, đóng góp 8,4 điểm % trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%, đóng góp 1,0 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%, đóng góp 0,1 điểm %; ngành khai khoáng giảm 6,0%, làm giảm 0,9 điểm %.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở hai địa phương trên cả nước. Trong đó 10 địa phương có IIP tăng cao nhất 8 tháng đầu năm nay.

 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất trong 8 tháng đầu năm 2024. (Hạ An tổng hợp từ TCTK).

Trà Vinh IIP tăng 45,9%

Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp Trà Vinh tăng 45,88% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng mạnh nhất tới 59,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,11%, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,89%; và ngành khai khoáng tăng 1,30%.

Cục Thống kê Trà Vinh cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp Trà Vĩnh đã khôi phục, đặc biệt còn sản xuất với sản lượng cao như ngành chế biến tôm của công ty Cổ phần Thủy Sản Thông Thuận, ngành sản xuất túi xách của Công ty TNHH một thành viên CY VINA, sản xuấy giày dép của Công ty CP đầu tư và sản xuất công nghiệp Lefaso Trà Vinh và ngành sản xuất than hoạt tính của công ty Cổ phần Trà Bắc.

Khánh Hoà tăng 39,2%

Trong 8 tháng đầu năm 2024, Khánh Hoà đứng thứ hai trong số các tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất cả nước với mức tăng gần 40%.

Sản xuất công nghiệp tăng cao cũng giúp Khánh Hoà đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 1,4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 24,4% so cùng kỳ năm trước.

Phú Thọ tăng 38,4%

Trong 8 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tỉnh Phú Thọ tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao thứ ba cả nước. Trong đó, IIP của Phú Thọ tăng cao chủ yếu nhờ ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng 40%.

Tiếp đến là ngành khai khoáng tăng 19,7%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,7%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,1%. 

Lai Châu tăng 37,2%

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lai Châu ước tăng 37,21% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ năm trước là do chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng 37,46% (do trong 8 tháng đầu năm nay có mưa nhiều, lượng nước của các trận mưa đều lớn hơn so với cùng kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất thuỷ điện.

Bên canh đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 45,36% chủ yếu là do hoạt động sản xuất xi măng Portland đen tăng 2.382,00% đã tác động trực tiếp và chủ yếu đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành khai khoáng tăng 8,35%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,61% so với cùng kỳ. 

5 địa phương có chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng cao nhất cả nước trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.(Hạ An tổng hợp từ TCTK).

Bắc Giang tăng 27,6%

Là một trong các thủ phủ về sản xuất công nghiệp, trong 8 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Giang tăng tới 28,26% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhờ mức tăng trưởng cao tới 28,87% của ngành chế biến, chế tạo giúp Bắc Giang tăng trưởng IIP ở mức cao.

Ngoài ra, lĩnh vực cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải cũng tăng trưởng 5,5%. Ở chiều ngược lại, ngành khai khoáng và sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cũng có mức giảm gần 6%.

Đây cũng là địa phương đứng thứ 3 trên cả nước về tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo chỉ sau Lai Châu tăng 45,4%; Phú Thọ tăng 40,0%;.

Sơn La tăng 25,7%

Chỉ số IIP tháng 8 của tỉnh Sơn La ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và tăng 14,24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, lIP ước tính tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khú đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng mạnh nhất với mức tăng tới 32,7%.

Nguyên nhân là Sơn La cũng là một địa phương có thể mạnh về thuỷ điện, nhờ điều kiện khí hậu năm nay giúp sản xuất điện tăng trưởng tốt, còn lại ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,86%; ngành công nghiệp chế biển, chế tạo tăng 2,6%, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 7,93%.

Cao Bằng tăng 25%

Đứng thứ 7 trong số các địa phương có mức tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước trong 8 tháng đầu năm là Cao Bắng. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của Cao Bằng tăng tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là ngành khai khoáng. Nhờ mức tăng trưởng cao tới 81,56% của ngành khai khoáng giúp Cao Bằng tăng trưởng IIP ở mức cao.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cũng có mức tăng trưởng tới 44,22% trong 8 tháng đầu năm.

Ngoài ra, lĩnh vực cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng 2,35%, lĩnh vực chế biến, chế tạo tuy trong tháng 8 tăng trưởng tới 20,65% nhưng luỹ kế 8 tháng chỉ tăng 1,65%. 

Thanh Hoá tăng 17,5%

Trong 8 tháng đầu năm, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục khởi sắc, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hoá. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 của Thanh Hoá tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 25,5% so với cùng kỳ.

Thanh Hoá cũng là một trong 5 địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Lai Châu tăng 45,4%; Phú Thọ tăng 40,0%; Bắc Giang tăng 28,1%; Bình Phước tăng 17,2%; Thanh Hóa tăng 16,6%. 

Điện Biên tăng 16,9%

Trong 8 tháng đầu năm, IIP của Điện Biên tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xếp thứ 9 trong số 10 tỉnh thành phố có mức tăng IIP cao nhất.

Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện của Điện Biên tăng tới 36,83%, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,48%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,55%. Duy chỉ có ngành khai khoáng giảm tới 8,45%.

Bình Phước tăng 16,8%

Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tỉnh Bình Phước tăng 16,83% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,24%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,07% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,32%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,69%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước tại Bình Phước, gồm: Chì chưa gia công tăng 23,97%; Hạt điều khô tăng 22,81%; Điện thương phẩm tăng 15,59%; Đá xây dựng khác tăng 12,07%; Thịt gà đông lạnh tăng 9,33%. Một số sản phẩm có mức giảm như: Dịch vụ hoàn thiện đồ nội thất mới bằng gỗ và bằng các vật liệu tương tự giảm 21,18%; Thiết bị và dụng cụ khác dùng trong y khoa giảm 16,34%; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) giảm 7,57%; Nước tinh khiết giảm 4,67%...

Hạ An