Yếu tố nào giúp doanh thu quý II của Digiworld tăng trưởng so với quý I?
Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến với chuyên viên phân tích SSI Research, lãnh đạo CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW) ước tính quý II, doanh thu thuần đạt 4.100 tỷ đồng giảm 16%, lãi ròng 82 tỷ đồng giảm 40% so với cùng kỳ. So với quý trước, kết quả này cao hơn 4% về doanh thu và đi ngang về lợi nhuận.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, trong quý II, các doanh nghiệp bán lẻ như CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) đã chuyển sang mua điện thoại iPhone từ Digiworld thay vì mua tiếp từ Apple. Thông thường, các doanh nghiệp phải đợi 6 tuần mới nhận được sản phẩm khi mua trực tiếp từ Apple, còn mua qua Digiworld, họ có thể nhận được sản phẩm trong vòng một tuần.
Trong bối cảnh tiêu thụ yếu và khó dự báo trước nhu cầu iPhone nên Thế giới Di động và FPT Retail ưu tiên đặt hàng qua Digiworld. Vì thế, công ty trở thành đơn vị chịu rủi ro hàng tồn kho nhưng bù lại tăng được doanh thu trong quý II.
Trái với iPhone, doanh thu máy tính xách tay, thiết bị gia dụng, thiết bị văn phòng của Digiworld không phục hồi nhiều trong quý II.
Doanh thu nửa cuối năm có thể phục hồi so với nửa đầu năm
Lãnh đạo Digiworld cho biết, các sản phẩm của Apple đang chiếm 20% tổng doanh thu của công ty. Song, mới đây, Apple đã ra mắt cửa hàng trực tuyến chính thức vào tháng 5, cho phép người tiêu dùng mua sản phẩm trực tiếp từ hãng. Đồng nghĩa với việc bỏ qua các đại lý phân phối (DGW, PET, FPT Synnex, Viettel) và các doanh nghiệp bán lẻ (MWG, FRT).
Tuy nhiên, dưới góc nhìn lạc quan của Digiworld, các chuỗi bán lẻ vẫn “sống khoẻ” dù Apple có mở cửa hàng trực tuyến. Vì người tiêu dùng có thể mua iPhone với giá rẻ hơn do các chuỗi bán lẻ thường có chương trình giảm giá trong khi cửa hàng trực tuyến chính thức của Apple hay bán với giá niêm yết (không giảm giá). Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics ở Việt Nam chưa phát triển nên người tiêu dùng vẫn lo ngại khi mua các mặt hàng có giá trị cao theo hình thức trực tuyến, thay vào đó là mua trực tiếp cửa hàng.
Do đó, “việc ra mắt cửa hàng trực tuyến chính thức của Apple không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các đại lý phân phối hoặc doanh nghiệp bán lẻ, mà là để giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ đặc thù tới người tiêu dùng, như các dịch vụ Vision Pro và Apple Entertainment”, Digiworld nêu quan điểm.
Dự báo về nửa cuối năm 2023, ban lãnh đạo Digiworld kỳ vọng doanh thu có thể phục hồi so với nửa đầu năm nhờ Apple ra mắt iPhone 15 vào tháng 10 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường.
Trước đó, iPhone 14 được ra mắt vào quý I/2023, muộn hơn kế hoạch ban đầu là vào quý IV/2022 do gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và người tiêu dùng chuyển sang mua sản phẩm iPhone xách tay để đáp ứng nhu cầu. Do đó, khi iPhone 14 được nhập khẩu chính thức vào quý I, nhu cầu tiêu thụ khá yếu.
Song, Digiworld cũng cho rằng, doanh thu nửa cuối năm 2023 có thể vẫn thấp hơn nửa cuối năm 2022. Dù Chính phủ đã ban hành các đợt cắt giảm lãi suất điều hành nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng thực tế vẫn ở mức cao do rủi ro cá nhân không trả được nợ tăng.
Vì thế, ban lãnh đạo công ty cho rằng, có thể cần thêm một thời gian nữa để việc cắt giảm lãi suất thực sự hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và tiêu dùng.