Xuất khẩu tôm và bài toán nguyên liệu
Thực tế trên cho thấy những bất cập về mối liên kết giữa nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 20/9, diện tích tôm sú của cả nước ước đạt 582.700ha, tăng 0,6% nhưng sản lượng ước đạt 174.400 tấn, giảm 2,5%. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cả nước ước đạt 80.000ha, tăng 6,3%, sản lượng ước tính đạt 200.000 tấn, tăng 4,2%.
Xu hướng nhập khẩu tôm nguyên liệu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP), Ecuador là nguồn cung tôm nguyên liệu chính cho Trung Quốc nhưng do nước này bị động đất dẫn đến thiếu hụt. Do đó, trong những tháng đầu năm, thương lái Trung Quốc quay sang Việt Nam gom tôm khiến tình trạng thiếu nguyên liệu thêm trầm trọng, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp thủy sản. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp đảm bảo nguyên liệu đầu vào, trong đó có đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ các thị trường khác.
Bỏ qua yếu tố nguồn cung hạn chế, vấn đề còn lại là giá thành sản phẩm. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, tình trạng các nhà máy nhập khẩu tôm nguyên liệu để sản xuất còn do tôm Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... có giá rẻ hơn 1 - 1,5USD/kg so với tôm của Việt Nam.
Trong bối cảnh xuất khẩu tôm giảm do sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực hay từ các nước Nam Mỹ, buộc doanh nghiệp phải hạ giá thành sản xuất, mà phương án giảm giá tôm nguyên liệu là lựa chọn tối ưu nên doanh nghiệp cứ tăng nhập khẩu tôm cho dù nguồn cung trong nước không khan hiếm mà còn tăng.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành thủy sản Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu lên tới 485 triệu USD, trong đó tôm chiếm cao nhất, tới 37%. Tương tự, theo Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ NN&PTNT), các doanh nghiệp vẫn sử dụng khoảng 17% nguyên liệu tôm nhập khẩu để chế biến.
Ảnh hưởng đến ngành hàng tôm
Nhập khẩu tôm nguyên liệu nước ngoài, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến ngành thủy sản do khi không còn quá phụ thuộc nguồn cung thì doanh nghiệp sẽ ép giá người nuôi, còn người nuôi khi nhận thấy nuôi tôm không có lãi sẽ bỏ ao. Lúc này, sự phụ thuộc vào nguồn thủy sản nguyên liệu nhập khẩu ngày càng tăng.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm có thể tăng nên cả năm ước đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ USD, tăng 1,4% so với năm 2015.
Điều đáng nói, do phải nhập khẩu tôm nguyên liệu lên tới hàng trăm triệu USD nên giá trị thực tế tạo ra trong xuất khẩu tôm thấp. Nếu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi trong vài năm tới, các mặt hàng nhập khẩu để chế biến xuất khẩu từ các nước ngoài TPP sẽ không được hưởng ưu đãi thuế, tức có lợi về giá thành đầu vào nhưng sẽ bất lợi về thuế xuất khẩu, làm tăng giá thành sản xuất.
VASEP nhận định, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, nhà máy thiếu nguyên liệu, thương lái Trung Quốc tranh mua là những khó khăn của ngành tôm Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016. Theo dự báo của VASEP, từ nay tới cuối năm, các thị trường nhập khẩu tôm lớn như Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu đều có mức độ tăng trưởng khả quan. Dự kiến nếu không có biến động, kim ngạch xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm có thể tăng nên cả năm ước đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ USD, tăng 1,4% so với 2015.
Suy cho cùng, tình trạng trên là hậu quả của những bất cập về mối liên kết giữa việc nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm hiện nay, trong đó hạn chế dễ thấy nhất là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn khá lỏng lẻo, thiếu chia sẻ thông tin, lợi nhuận, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát chất lượng đầu vào, vấn đề quy hoạch lại vùng nuôi tôm gắn với các nhà máy chế biến xuất khẩu là yêu cầu cấp bách mà các bộ, ngành liên quan cần quan tâm.
Giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam nhưng các doanh nghiệp tôm Việt Nam lại đang bị đánh thuế chống bán phá giá tại thị trường này, còn thị trường EU cũng gặp khó khăn do biến động tỷ giá. Tình trạng tôm bơm chích tạp chất, nhiễm kháng sinh, việc xuất khẩu tôm tiểu ngạch sang Trung Quốc không được kiểm soát chất lượng chặt chẽ cũng đang gây khó khăn, làm mất uy tín chất lượng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao uy tín tôm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, ông Như Văn Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (thuộc Bộ NN&PTNT) kiến nghị: cần có chế tài xử phạt thật mạnh đối với hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, buộc các nhà máy chế biến cam kết không thu mua tôm nguyên liệu có bơm chích tạp chất...
Đánh giá chung ngành tôm nước lợ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: ngành tôm phát triển chưa tương xứng tiềm năng có phần do nhìn nhận con tôm chưa đúng vị trí, đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu.
Do đó, để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu: các ngành các cấp cần khẩn trương xây dựng sản phẩm tôm Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia và hướng đến hình thành ngành công nghiệp tôm. Mà muốn xây dựng hình ảnh con tôm Việt Nam thì không có con đường nào khác là phải đảm bảo chất lượng tôm.
Theo THÀNH CÔNG