Xuất khẩu tôm giảm nhẹ hai tháng đầu năm
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm hai tháng đầu năm giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước, xuống 378 triệu USD.
Nguyên nhân là kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 1 giảm 13% so với cùng kỳ, trong khi đó mức tăng 19% của tháng hai mới chỉ bù đắp được một phần thiếu hụt.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường lớn cũng giảm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm vào Mỹ chỉ đạt 36,4 triệu USD trong hai tháng đầu năm, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng giảm 9%.
Ảnh minh họa |
VASEP cho rằng, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm trong bối cảnh rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu tăng, nhu cầu tôm thế giới từ đầu năm giảm do tồn kho còn cao. Bên cạnh đó, hiện mới là đầu vụ tôm ở Việt Nam nên nguồn cung tôm nguyên liệu hạn chế, giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, khiến các nhà máy thiếu hụt nguyên liệu để sản xuất.
Trong tháng hai, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất tôm chân trắng với kim ngạch tăng 12%, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu tôm sú giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong các sản phẩm tôm xuất khẩu, kim ngạch xuất tôm sú chế biến mã HS 16 giảm mạnh nhất 41%. |
Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây cho biết tôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG). Đây là kết luận của DOC trong đợt xem xét hoàng hôn 5 năm lần thứ hai về thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ các nhà cung cấp Việt Nam.
Không những vậy, ngay từ đầu năm, xuất khẩu tôm gặp khó khi Australia đưa ra lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng tôm chưa nấu chín từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kết quả là hàng loạt lô tôm của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã không được nhập khẩu vào thị trường này.
Sau Australia, đến lượt Hàn Quốc thông báo sẽ kiểm dịch với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào nước này, trong đó có mặt hàng tôm mà Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn nhất. Theo quy định kiểm dịch mới, Hàn Quốc bổ sung thêm các đối tượng kiểm dịch gồm tôm ướp lạnh hoặc đông lạnh.
Tuy nhiên, VASEP cũng cho hay, xuất khẩu tôm sang một số thị trường cũng đạt mức tăng trưởng cao như Nhật Bản (34%), Hàn Quốc (19%) và EU (16%). Đặc biệt, Nhật Bản vươn lên giữ vị trí dẫn đầu về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 21%.
Với đà tăng trưởng nhập khẩu từ các thị trường trên, VASEP dự kiến xuất khẩu tôm tháng 3 sẽ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.