Xuất khẩu tháng 1: Vững vàng tăng trưởng
Cổ phiếu ngành gạo vô cảm với sức tăng xuất khẩu | |
Xuất khẩu nông sản nhìn từ thị trường Úc |
Nhiều nhóm hàng tỷ USD
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, tổng trị giá XNK hàng hoá của cả nước ước đạt 38,3 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng 12/2017; trong đó, trị giá XK ước đạt 19 tỷ USD, giảm 3,3%. Tuy vậy, nếu so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch XNK hàng hóa cả nước trong tháng 1/2018 ước tính tăng tới 39,9%, trong đó XK ước tăng trên 33%.
Về mặt hàng XK, các “gương mặt” đóng góp vào con số 19 tỷ USD đều khá quen thuộc như: Điện thoại và linh kiện, dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, hàng nông, lâm, thủy sản,… Cụ thể, XK điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng tới 80,7% so với tháng 1/2017. XK hàng dệt may cũng đem về 2,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng 1/2017. Tương tự, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 1/2018 cũng tăng gần 38% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,3 tỷ USD. Ở nhóm nông sản, XK cà phê khá nổi bật với tổng trị giá XK đạt 340 triệu USD, tăng 7,7% so với tháng 1/2017.
Dễ thấy, trong “bức tranh” XK tháng 1/2018, tổng kim ngạch cũng như từng nhóm ngành hàng cụ thể đều có mức tăng trưởng khá lớn so với cùng kỳ năm 2017. Khi đặt vấn đề, đây có phải là điểm bất thường so với các năm, điển hình như tháng đầu tiên của năm 2017 hay không, một số chuyên gia cho rằng, điều này khá bình thường. Đó là bởi, tháng 1/2017 rơi đúng vào thời điểm tết Nguyên đán nên tuần cuối cùng của tháng này gần như không có hoạt động gì nhiều. Trong khi năm nay, tháng 1 hoàn toàn không rơi vào thời điểm Tết, mọi hoạt động XNK hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, dẫn tới kim ngạch XK đạt tăng trưởng khá cao.
Xung quanh vấn đề này, theo PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Bộ Công Thương: XNK luôn là hoạt động sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2017, XNK được đánh giá đạt thành tích rất cao. Nhìn tổng thể, XK tháng đầu tiên của năm 2018 vẫn giữ được đà tăng trưởng ấn tượng suốt từ năm 2017. Dự đoán cả năm nay, khi thị trường “ấm” hơn, XK còn có thể tăng trưởng tốt hơn.
Dù dư địa rộng lớn, song phần lớn hàng nông sản của Việt Nam vẫn XK dưới dạng thô. Ảnh: N.Thanh. |
Đẩy mạnh khâu chế biến
Mặc dù kim ngạch XK hàng hóa tháng 1/2018 tăng trưởng đáng kể, song theo đại diện Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Trong XK, DN FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Dự báo, trong tháng 2, tình hình XK hàng hóa sẽ không có sự tăng trưởng khả quan như tháng 1 do rơi vào thời điểm tết Nguyên đán. Các DN thường sẽ đẩy hàng hóa đi trước kỳ nghỉ.
Ngoài phụ thuộc vào khối DN FDI, theo các chuyên gia, điểm đáng lưu ý trong XK hàng hóa của Việt Nam hiện nay là, phần lớn hàng hóa, đặc biệt ở nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, XK vẫn ở dạng thô, sơ chế. Để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK, thúc đẩy chế biến là “bài toán” cần nhanh chóng giải quyết.
Đi sâu phân tích khâu chế biến trong sản phẩm XK của Việt Nam, đặc biệt trong XK nông sản, PGS. TS Phạm Tất Thắng phân tích: Thời gian qua, một trong những thành tựu nổi bật của XK nông sản thể hiện rõ ở mặt hàng rau quả. Trước đây, XK rau quả chiếm tỷ lệ nhỏ, song từ năm 2016, kim ngạch XK mặt hàng này đã vượt qua cả gạo và năm 2017 vượt cả XK dầu thô. Nếu khai thác tốt mặt hàng này, mọi vùng miền cả nước đều có thể phát huy XK. Khi đó, kim ngạch XK rau quả sẽ tăng lên đáng kể, đóng góp tích cực vào XK hàng hóa nói chung. Tuy nhiên, để đẩy mạnh chế biến rau quả XK với chất lượng, giá trị cao hơn không phải dễ dàng, phụ thuộc lớn vào quy mô của sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, cần đẩy mạnh quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp để có được quy mô sản xuất hàng hóa lớn, từ đó kết hợp với xây dựng nhà máy chế biến cho phù hợp. “Trên thực tế, có nhiều mặt hàng nông sản nói chung, rau quả nói riêng khi XK thô thì được, song khi chế biến chưa hẳn đã phù hợp với nhu cầu thị trường. Vì vậy, trong quá trình thúc đẩy chế biến các sản phẩm cũng cần đặc biệt lưu ý tới nhu cầu thị trường”, TS. Phạm Tất Thắng nói.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề làm sao cải thiện, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK Việt Nam, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Tốc độ tăng trưởng XK không thể dựa mãi vào số lượng hàng hóa XK. DN Việt Nam cần phải tìm cách trở thành một “mắt xích” trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam. Muốn giải quyết vấn đề này, giải pháp là ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…
Đứng từ góc độ Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: Trong năm 2018, để thúc đẩy XK hàng hóa, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng thông qua tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng XK, kịp thời tháo gỡ khó khăn, sớm đưa các dự án vào vận hành. Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTTN trong triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường NK…Với công tác phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, giải pháp được đưa ra là Bộ sẽ lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến XK vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm phát triển XK theo hướng đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường XK mới còn tiềm năng, đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống…