'Xuất khẩu tại chỗ' của ngành du lịch thấp do thiếu hoàn thuế giá trị gia tăng
Trước thực trạng này, hội thảo “Tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế VAT cho du khách nước ngoài” vừa được Báo Thanh niên tổ chức vào ngày 6/12 nhằm tìm kiếm, tập hợp các đề xuất, giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho khách quốc tế, kích cầu du lịch Việt Nam thời gian cuối năm cũng như xa hơn là nâng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam đối với khu vực và thế giới.
Khách du lịch đến Việt Nam tăng nhưng mức chi tiêu thấp. Ảnh: MT |
Tại hội thảo, nhiều diễn giả cho biết, chính sách hoàn thuế GTGT cho du khách nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng từ năm 2012 đến nay hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển của thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong tháng 11 vừa qua, cả nước đã đón 1,17 triệu lượt khách đến, tăng 14,4% so với tháng 10/2017. Đây là tháng thứ 8 từ đầu năm đến nay Việt Nam đón trên 1 triệu lượt khách.
Như vậy, tính chung 11 tháng của năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 11,645 triệu lượt, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2017, theo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt mức 12,8 triệu lượt, tăng 28% so với năm 2016. Đó là một kết quả rất khả quan.
Tuy nhiên, dù lượng khách đến Việt Nam tăng cao, nhưng theo nhiều chuyên gia du lịch và doanh nghiệp, điều quan trọng hơn là làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn, quay lại sớm hơn và có ấn tượng tốt về du lịch Việt.
Thực tế cho thấy, trong 10 tháng đầu năm nay, lượng khách từ châu Á đến Việt Nam tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng khách từ Trung Quốc tăng rất "nóng", đến 45,6%. Tuy nhiên, theo Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, chi tiêu bình quân của du khách Trung Quốc rất thấp, khoảng 638 USD/người và khách đến từ nhiều thị trường khác cũng chi tiêu rất khiêm tốn, chỉ đạt 943,8 USD/người.
Đó thực sự là nghịch lý đáng buồn trong thu hút khách du lịch hiện nay. Đây cũng là lý do vì sao tăng trưởng về doanh thu không tương xứng với lượng khách đến.
Tại TP Hồ Chí Minh, một thị trường trọng điểm về du lịch của Việt Nam, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định, con số tăng trưởng về doanh thu không tương xứng với lượng khách đến. Nguyên nhân theo các chuyên gia về du lịch là do các dịch vụ du lịch tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung chưa nhiều, đa dạng, thiếu sản phẩm thu hút sức chi tiêu của khách.
Để tăng mức chi tiêu, cần đẩy mạnh DN tham gia chính sách hoàn thuế GTGT cho du khách. Ảnh: Hoàng Tuyết |
Trong khi đó, ngày 16/1, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch có sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Đồng thời, mục tiêu thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều đó cho thấy tầm quan trọng rất lớn của ngành du lịch đối vớn nền kinh tế đất nước.
Để đạt mục tiêu này, một trong những chính sách quan trọng trong việc thu hút du khách đến Việt Nam là chính sách hoàn thuế GTGT cho du khách, thí điểm từ năm 2012. Mục tiêu của chính sách nhằm khuyến khích du lịch Việt Nam phát triển, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, nâng cao hình ảnh Việt Nam, đặc biệt là khuyến khích khách du lịch tiêu dùng hàng hóa Việt Nam, kích thích sản xuất phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả của mục tiêu này trên thực tế không như mong muốn, mục đích thí điểm hoàn thuế GTGT để thu hút khách du lịch đến với Việt Nam chưa như mong đợi. Số lượng DN tham gia chương trình hoàn thuế không nhiều, kết quả hoàn thuế cho du khách chưa cao, chưa thực sự tạo ra sức hút đối với du khách.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, còn chỉ ra rằng, ẩn sau việc DN không muốn tham gia vì là tình trạng vi phạm về hóa đơn chứng từ trong kinh doanh, mập mờ về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa còn nhiều. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng nói chung, du khách nói riêng.
Bàn thêm vấn đề này, PGS.TS. Phạm Trung Lương - một chuyên gia du lịch, lo ngại nếu không thúc đẩy DN tham gia chương trình hoàn thuế cho du khách thì mức độ hấp dẫn “mua sắm” của du khách ngày càng giảm đi. Bởi một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn đối với “mua sắm” của điểm đến du lịch là việc hoàn thuế GTGT cho khách du lịch, trong đó tỷ lệ được hoàn thuế và tính thuận lợi trong việc hoàn thuế có ý nghĩa quyết định.
Công nhận Sa Pa là Khu du lịch Quốc gia
Khu du lịch quốc gia Sa Pa vừa được Thủ tướng ban hành Quyết định công nhận chính thức. Quyết định này đã hoàn thành ... |
Ngành du lịch thăng hoa, Lotte mở thêm cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam
Lotte không giấu tham vọng trở thành thương hiệu cửa hàng miễn thuế hàng đầu ở Việt Nam. |