|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu sản phẩm từ heo tăng gần 40% trước khi dịch ASF bùng phát

18:55 | 02/04/2019
Chia sẻ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ heo đã tăng 37,7% so với cùng kì năm 2018 lên 10 triệu USD trong hai tháng đầu năm. 

Cụ thể, báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho hay trong tháng 3, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 3 ước đạt 47 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm dự kiến tăng 1,4% so với cùng kì năm 2018 lên 129 triệu USD.

Tính trong hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm đạt 4,4 triệu USD, giảm 1,3% so với cùng kì năm ngoái; trong khi giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ heo tăng 37,7% lên 10 triệu USD.

Tuy nhiên, Bộ cũng nhận định ngành chăn nuôi heo đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi dịch tả heo châu Phi (ASF) đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam. Diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Người tiêu dùng cũng đang có xu hướng hạn chế sử dụng thịt heo. 

Cả nước đã báo cáo dịch ASF xuất hiện tại các tỉnhHưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị.

Tính đến ngày 27/3, tổng số heo bị tiêu hủy đã lên tới 73.000 con.

Thị trường thịt heo xuất khẩu dự báo gặp khó trong thời gian tới

Ngoài ra, với dịch bệnh gây tử vong cao ở heo, hiện tại vẫn chưa có vacxin phòng và chữa bệnh, xuất khẩu heo và sản phẩm từ heo của Việt Nam trong thời gian tới dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi một số quốc gia cấm nhập khẩu thịt heo tại nơi đang bùng phát dịch ASF.

Xuất khẩu sản phẩm từ heo tăng gần 40% trước khi dịch ASF bùng phát - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Hôm 18/2, Philippines đã cấm thịt heo và sản phẩm thịt heo Việt Nam được đưa vào thị trường nội địa quốc gia này. Trước đó, quốc gia Đông Nam Á cũng đã cấm nhập khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo từ những quốc gia có sự bùng phát của dịch ASF như Trung Quốc, Hungary, Bỉ, Latvia, Romania, Nga, Ukraine, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Moldova, Nam Phi và Zambia.

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cũng cấm nhập cảnh thịt heo từ Việt Nam gồm Đài Loan, Mỹ, Nhật và Australia. Mọi hành vi vi phạm điều này có thể khiến hành khách ngồi tù và bị phạt hàng tỉ đồng nếu bị phát hiện. 

Trong đó, từ ngày 20/2, tất cả du khách xuất cảnh từ Việt Nam khi nhập cảnh Đài Loan (Trung Quốc), nếu bị phát hiện mang theo các chế phẩm từ thịt lợn sẽ bị phạt hành chính lần đầu là 200.000 đài tệ (tương đương 6.500 USD). Hành khách vi phạm lần hai sẽ bị nâng mức phạt lên 1 triệu đài tệ (tương đương 33.000 USD). Nếu không nộp đủ tiền phạt sẽ bị cơ quan di trú Đài Loan từ chối cho phép nhập cảnh.

Còn hành khách khi nhập cảnh vào Nhật Bản mang thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến, rau củ quả phải tuân thủ các thủ tục về kiểm dịch. Nếu không có giấy chứng nhận sẽ chịu phạt tối đa 3 năm tù hoặc phạt tiền tới một triệu Yên Nhật (tương đương khoảng 200 triệu đồng).

Tại Australia, hành khách phải khai báo hàng hóa có nguy cơ rủi ro gồm các thực phẩm, nguyên liệu thực vật và các sản phẩm từ động vật dù là một lượng nhỏ đồ ăn nhẹ hay các nguyên liệu để nấu ăn. Nếu không kê khai hoặc kê khai sai, khách sẽ có thể bị bắt giam và chịu hình phạt dân sự lên tới 420.000 đô la Australia (tương đương khoảng 7 tỉ đồng).


Lyly Cao

Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
Thị tường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong 2 ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.