|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu rau quả có về đích 4 tỉ USD năm 2020?

18:35 | 30/11/2020
Chia sẻ
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ có thể đạt 3,3 tỉ USD, giảm 10% so với năm ngoái và không đạt được mục tiêu của cả năm là 4 tỉ USD.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ngày một khó khăn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả tháng giảm liên tiếp trong hai tháng 9 và 10, sau khi tăng nhẹ trong tháng 8

Trong tháng 10 xuất khẩu hàng rau quả đạt 241,8 triệu USD, giảm 18,2% so với tháng 10/2019. Trong 10 tháng năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,73 tỉ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong tháng 10 xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 119,2 triệu USD, giảm 33,7% so với tháng 10/2019. 

Xuất khẩu rau quả có về đích 4 tỉ USD năm 2020? - Ảnh 1.

Tình hình xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam năm 2019 - 2020 (đơn vị: triệu USD). Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc chiếm tới khoảng 58% tỉ trọng hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên con số này thấp hơn 10 điểm phần trăm so với 10 tháng đầu năm 2019. 

Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh dẫn tới tới sự sụt giảm hàng rau quả xuất khẩu trong tháng 10, bởi hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc luôn chiếm tỉ trọng cao. 

Vì vậy, dù trị giá hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia và Nga trong tháng 10 tăng mạnh, nhưng vẫn không bù đắp được mức giảm xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, do tỉ trọng xuất khẩu sang các thị trường này còn thấp.

Trao đổi với người viết ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ hàng khó khăn hơn. 

Bên cạnh đó, mới đây,  thành phố Thượng Hải yêu cầu tất cả thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có nguy cơ cao được lưu trữ, chế biến và bán tại Thành phố Thượng Hải phải vào kho quá cảnh để xét nghiệm COVID-19 và khử trùng bao bì, áp dụng từ 0h00 ngày 16/11, việc giao hàng sẽ được thực hiện trực tuyến.

Điều này càng gây khó khăn cho hàng rau quả đông lạnh xuất khẩu sang thị trường này. Ông Nguyên cho biết  việc Thượng Hải tăng cường kiểm dịch sẽ làm chậm quá trình giao hàng của các doanh nghiệp.

Trước đây việc giao hàng chỉ mất 3 ngày hàng có thể giao tới tay khách hàng nhưng hiện nay thời gian có thể lên tới 5 ngày. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng của rau củ.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương hàng rau quả là nhóm hàng giảm mạnh trong cơ cấu mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc ngày càng khó khăn.

Nguyên nhân là ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh; chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi liên tục theo hướng thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác...

Bên cạnh đó, mức sống của người dân Trung Quốc được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, tính an toàn của nông sản, thực phẩm. Do đó, chất lượng hàng rau quả có yêu cầu cao hơn trước. 

Mặc dù khó khăn, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường rất tiềm năng cho hàng rau quả của Việt Nam, với hơn 1,4 tỉ dân, cùng với 50 triệu khách du lịch hàng năm đã tạo ra thị trường có sức tiêu dùng rất lớn. 

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 160 tỉ USD các mặt hàng nông sản, trong đó các mặt hàng rau quả chiếm 9 - 10 tỉ USD. 

Bộ Công Thương cho rằng để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của Trung Quốc.

Việc tận dụng lợi ích từ EVFTA chưa nhiều

Hiệp định này thuận lợi là thuế giảm nhưng hàng đi châu Âu đòi hỏi chất lượng rất cao mà sản xuất để đáp ứng thị trường châu Âu không đáp ứng nhanh chóng được. Thực ra doanh nghiệp có đơn hàng từ châu Âu, thị trường này nhu cầu lớn nhưng lại không có hàng để giao.

"Đây là trách nhiệm của người nông dân, người sản xuất nguyên liệu, phải tuân thủ tiêu chuẩn GlobalGAP để đủ điều kiện xuất khẩu sang EU, đặc biệt là đối với mặt hàng dứa.

Nếu rau quả không đạt chuẩn, khi xuất sang châu Âu, phía đối tác sẽ trả hàng về và doanh nghiệp sẽ bị lỗ. EVFTA giúp xuất khẩu rau quả sang EU tăng nhưng không quá đột phá", ông Nguyên nói.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng xuất khẩu rau quả sang thị trường EU năm 2020 tối đa cũng chỉ tăng 10% do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và việc thiếu nguyên liệu đạt chuẩn.

Năm nay khó lòng đạt được mục tiêu xuất khẩu đầu năm

Dự kiến tháng trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 3 tỉ USD. Sang tháng 12 có thể xuất thêm 3 triệu USD nữa.

"Như vậy cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ có thể đạt 3,3 tỉ USD, giảm 10% so với năm ngoái và không đạt được mục tiêu của cả năm là 4 tỉ USD", ông Nguyên nói.

Không chỉ gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc, tại Thái Lan, rau quả Việt Nam vấp phải rào cản về kĩ thuật.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Thái Lan trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, do hàng nông sản xuất khẩu sang Thái Lan có yêu cầu thuật ngày càng cao, tương đương với tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. 

Đặc biệt, sau khi Thái Lan ban hành tiêu chuẩn mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu thì một vài đơn hàng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Thái Lan đã bị trả lại, nguyên nhân do vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Cho đến nay, Thái Lan chỉ mới chính thức cấp giấy phép cho bốn loại trái cây của Việt Nam vào thị trường này là thanh long ruột đỏ và ruột trắng, xoài, nhãn, vải.

Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản lạc quan cho rằng: "Nhìn chung, những tháng cuối năm 2020, triển vọng xuất khẩu rau quả dự báo sẽ khả quan do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng và tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU trở nên rõ rệt". 



H.Mĩ

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.