|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông sản 2018 khả năng cán mốc 40 tỉ USD

14:24 | 20/04/2018
Chia sẻ
Sản xuất nông nghiệp đang có nhiều tín hiệu vui. Vụ đông xuân được mùa, chất lượng lúa gạo được cải thiện, giá gạo Việt Nam tăng trên thị trường thế giới.
xuat khau nong san 2018 kha nang can moc 40 ti usd Xuất khẩu khởi sắc nhưng vẫn lắm gian nan
xuat khau nong san 2018 kha nang can moc 40 ti usd Tổ chức lại thị trường nông sản trong nước

Trao đổi với Báo NNVN về xu hướng phát triển của thị trường nông sản, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết nông sản Việt Nam đang còn rất nhiều dư địa. Hiện Bộ NN-PTNT đang triển khai nhiều dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản…

Giá trị xuất khẩu gia tăng trong thời gian qua chính là nhờ các gói kĩ thuật hỗ trợ người nông dân thay đổi phương thức sản xuất cũng như những nỗ lực xúc tiến thương mại…

xuat khau nong san 2018 kha nang can moc 40 ti usd
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thời tiết năm nay diễn biến thuận lợi cho nông nghiệp hơn hẳn so với những năm trước. Riêng ĐBSCL, dự kiến lúa đông xuân có thể tăng thêm tới 1,3 triệu tấn. Điểm đặc biệt của vụ đông xuân năm nay là cơ cấu giống lúa đã thay đổi. Những giống lúa chất lượng thấp còn rất ít, lúa phẩm cấp gạo cao, lúa đặc sản gia tăng nhanh chóng.

Như vậy, cùng với tăng năng suất thì chất lượng lúa gạo được cải thiện rõ rệt, theo đó giá đấu thầu cao hẳn. Đây là kết quả chỉ đạo của các cấp ngành từ Trung ương tới địa phương trong những năm qua. Việc tập trung phát triển sản phẩm lúa gạo tại ĐBSCL là chủ trương đúng đắn và lúa luôn là cây thế mạnh của vùng đất này.

Năng suất lúa đông xuân năm nay của ĐBSCL dự kiến đạt xấp xỉ 7 tấn/ha, ở một ngưỡng rất cao. Nếu xác định tiếp tục tập trung phát triển cây lúa ở ĐBSCL thì Bộ NN-PTNT sẽ định hướng đầu tư vào những lĩnh vực gì, thưa Thứ trưởng?

Vấn đề của lúa gạo hiện nay là phải nâng cao chất lượng và giảm chi phí. Hiện chi phí đầu vào còn lớn do tập quán canh tác chưa được cải thiện. Gieo trồng 1ha tiêu tốn hết 150kg, thậm chí 180kg hạt giống thì quá lãng phí. Tập quán sạ dày vừa tốn giống còn tăng thêm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ lại còn ô nhiễm môi trường. Nên về mặt canh tác cần phải chuyển dần từ sạ sang cấy máy. Cấy máy sẽ giảm công lao động, giảm lượng giống, không phải dùng thuốc diệt cỏ, sử dụng ít thuốc trừ sâu nên giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Như ông đã cho biết, thị trường lúa gạo Việt Nam năm nay có giá đấu thầu cao hơn các nước trong khu vực kể cả Thái Lan đây đương nhiên là một tín hiệu rất đáng mừng. Còn đối với các thị trường nông sản khác thì sao?

Theo báo cáo của Hải quan, trong quý I/2018 ghi nhận sự tăng trưởng XK cao của các nhóm hàng ngành nông nghiệp. Trong đó nhóm hàng lớn nhất là thủy sản đạt 1,768 tỷ USD, tăng 17,6%; rau quả đạt 970 triệu USD, tăng 38,5%; gạo đạt 745 triệu USD, tăng 38,1%... Trong nhóm rau quả, sản phẩm thanh long xuất rất tốt, giá cao. Hiện nông dân Bình Thuận bán thanh long tại vườn cũng được giá 15 - 20 ngàn đồng/kg.

Thêm nữa, vừa qua chúng ta đã được phép xuất khẩu quả chôm chôm vào thị trường New Zealand. Thị trường này không lớn nhưng vô cùng khó tính. Khi chúng ta được thị trường này tiếp nhận thì cũng khẳng định chất lượng nông sản VN. Tôi cho rằng xuất khẩu phải ưu tiên nhằm vào các thị trường tiềm năng, nhu cầu lớn, có nhiều mối quan hệ hợp tác ngoại giao với Việt Nam cũng như hợp tác kĩ thuật tốt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… Ngày 22 - 25/4 tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc, đối thoại chính sách hàng năm với Nhật Bản trong đó có đoàn của doanh nghiệp hai bên cùng đối thoại. Rồi thị trường EU, Malaysia, Ấn Độ, Philippines…

Với những tín hiệu sản xuất và thị trường tốt như hiện nay tôi tin năm 2018, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 40 tỉ USD.

Trung Quốc là thị trường vô cùng lớn đối với nông sản Việt Nam. Như rau quả, năm ngoái kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của chúng ta 3,5 tỉ USD thì có tới 2,65 tỉ USD là xuất sang TQ. Nhưng TQ đang xây dựng hàng rào kĩ thuật đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu. Điều này sẽ gây trở ngại đối với xuất khẩu nông sản như thế nào và chúng ta có kế hoạch ứng phó ra sao?

Trung Quốc là một thị trường khổng lồ. Một đất nước ngay cạnh chúng ta với 1,4 tỉ dân mà nông sản hàng hóa lại ít cạnh tranh với nước ta là cơ hội tốt cho giao thương giữa hai bên. Tôi cho rằng, không riêng gì thị trường Trung Quốc mà việc xây dựng hàng rào kĩ thuật của các nước là bình thường. Những năm vừa qua chúng ta xuất khẩu mạnh cũng chính nhờ sự chuyển biến trong quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng tốt các yêu cầu phía bạn. Đây là cơ hội để chúng ta tự hoàn thiện và trưởng thành.

Doanh nghiệp Việt Nam, nông dân VN rất sáng tạo và ứng phó rất nhanh. Nếu như có những "đầu bài" rõ ràng, họ sẽ làm tốt, chỉ cần thời gian cụ thể và chính nhờ những đòi hỏi thực tế này xuất khẩu rau quả cũng như các nông sản khác của ta với TQ mới trở thành chính ngạch, từ đó mới vươn xa hơn trong lãnh thổ của TQ. Hiện các doanh nghiệp trong nước cũng tiếp cận và đã có những bước chuẩn bị từ đóng gói bao bì, chứng nhận vùng trồng cho cây ăn quả…

xuat khau nong san 2018 kha nang can moc 40 ti usd
Chế biến dứa xuất khẩu

Trong công tác thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, Bộ NN-PTNT luôn phối hợp với các địa phương để đưa ra những giải pháp cụ thể. Vừa qua Bộ đã tổ chức hội nghị với các tỉnh để đánh giá sản lượng vải, nhãn, từ đó bàn tổng thể giải pháp từ đóng gói, nhãn mác, chứng nhận xuất xứ…

Sắp tới Bộ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc bàn về mối liên kết giữa các nhà máy với các vùng sản xuất cây ăn trái; có báo cáo đánh giá tiềm năng, lợi thế của từng vùng và các hội, doanh nghiệp, các địa phương sẽ cùng bàn để đi đến sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Điểm mới của năm nay là một số doanh nghiệp đầu tư rất mạnh vào chế biến. Như Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả ở Gia Lai, Nafoods đầu tư vào Long An… Có chế biến mới tạo ra thêm thị trường và nâng cao giá trị. Xuất khẩu các mặt hàng chế biến cũng thuận lợi hơn vì không vướng hàng rào kĩ thuật nhiều nữa.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xuất khẩu rau quả đạt trên 1 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 4, XK rau quả của nước ta đạt giá trị 176,891 triệu USD. Như vậy, từ đầu năm đến ngày 15/4, XK rau quả của cả nước đã đạt 1,146 tỷ USD. Với giá trị XK như trên, rau quả đang đứng hàng thứ 4 trong số các mặt hàng nông lâm thủy sản về giá trị XK, đứng sau gỗ (2,253 tỷ USD), thủy sản (2,088 tỷ USD) và cà phê (1,182 tỷ USD). Đây cũng là 4 mặt hàng nông lâm thủy sản đã đạt giá trị XK từ 1 tỷ USD trở lên kể từ đầu năm đến giữa tháng 4.

Trong quý I/2018, phần lớn các thị trường của rau quả Việt Nam đều tiếp tục tăng trưởng về giá trị XK so cùng kỳ năm ngoái. Tăng mạnh nhất là thị trường Campuchia với mức tăng 247,85%. Tiếp đó là Kuwait 150,09%; Pháp 61,73%; Trung Quốc 41,93%…

Trần Cao - Kiên Cường