|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo: Tìm thị trường mới

13:04 | 13/07/2019
Chia sẻ
Nửa đầu năm 2019, Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh - 3 thị trường nhập khẩu gạo lớn đều giảm lượng nhập hàng.

Nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng này có thể kéo dài đến cuối năm, làm cho việc xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam rơi vào tình cảnh trầm lắng.

m4a_lgtc

Tập đoàn Lộc Trời đưa chuyên gia nước ngoài hướng dẫn nông dân sản xuất tăng chất lượng gạo Việt.

Tuy nhiên, với sự năng động của doanh nghiệp (DN), hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực.

Chuyển dịch cơ cấu thị trường 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2019, các DN xuất khẩu 2,76 triệu tấn gạo, tương đương 1,18 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2018 thì giảm 6,3% về lượng và giảm 20,4% giá trị. 

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho hay xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian trên gặp nhiều bất lợi vì thiếu hợp đồng tập trung với khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường.

Những thị trường truyền thống từ vừa đến lớn của gạo Việt đều đồng loạt giảm lượng gạo nhập khẩu vì nhiều lý do khác nhau. 

Trung Quốc tồn kho rất nhiều và còn trở lại cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo khác (trong đó có Việt Nam) khi xuất khẩu gạo cũ sang các nước châu Phi. Indonesia hoạt động trầm lắng trong mùa bầu cử và Bangladesh đã khôi phục lại sản xuất sau lũ lụt. 

Vì vậy, dự báo thị trường vẫn ảm đạm cho cả năm 2019. Điều này tiếp tục là áp lực trong việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu 2019.

Nhưng Bộ Công thương cũng ghi nhận nhiều DN đã nhanh nhạy nắm bắt sự thay đổi về chính sách nhập khẩu gạo của Chính phủ Philippines. Nhờ mở rộng được thị trường này, nên dù lượng gạo xuất khẩu giảm nhưng không giảm mạnh như một số nước khác.

Những tháng đầu năm cũng ghi nhận sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu, cũng như những nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường mới của các DN xuất khẩu gạo Việt Nam.

Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu mạnh vào thị trường châu Phi, châu Âu và châu Mỹ, khu vực Trung Đông. Dự báo năm 2019, Iraq nhập khẩu gạo Việt Nam với mức ổn định tầm 300.000 tấn. 

Nhiều nước châu Phi đầu năm 2019 đã tăng mạnh nhập khẩu gạo thơm của Việt Nam như Bờ Biển Ngà, Ghana, Nam Phi, Mozambique, Angola.

Ngoài ra, DN có thể tận dụng ưu đãi cho mặt hàng gạo tại các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, các thỏa thuận song phương như hạn ngạch 10.000 tấn/năm với mức thuế 0% vào thị trường của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). 

Việt Nam cũng vừa đàm phán xong với Hàn Quốc về hạn ngạch xuất khẩu gạo sang nước này với giá tốt. 

Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu tạo thêm nhiều cơ hội cho gạo Việt xâm nhập thị trường này trong thời gian tới.

Điều chỉnh diện tích và lịch thời vụ 

Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, khó khăn hiện nay trong xuất khẩu gạo và tiêu thụ lúa trong nước là cung nhiều hơn cầu. 

Dự báo nhu cầu thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam khoảng 5 triệu tấn, nhưng năng lực sản xuất của chúng ta tới 7 triệu tấn.

Do vậy, Bộ NN-PTNT và các địa phương phải ngồi lại tính toán để xem sản xuất lúa bao nhiêu là phù hợp. Diện tích đất lúa cần 3,8 triệu ha hay 2,5 triệu ha? 

Đồng thời cũng phải xem xét lại lịch thời vụ. Trước nay, gieo sạ đồng loạt để hạn chế dịch bệnh, nay nên sắp xếp lịch thời vụ sao cho hợp lý, phù hợp thị trường. Nếu gieo sạ đồng loạt sẽ tạo áp lực về kho dự trữ, lò sấy…

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đặt vấn đề cần xem lại mặt hàng lúa gạo có còn là chiến lược xuất khẩu của quốc gia, khi mà kim ngạch xuất khẩu thua thủy sản và rau quả. 

Hàng loạt địa phương đã cho chuyển từ trồng lúa sang nuôi thủy sản và trồng cây ăn trái.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, các DN cần đồng hành cùng Nhà nước tháo gỡ khó khăn. 

Trong ngắn hạn, Bộ Công thương xây dựng cơ chế mang tính ổn định, tạo điều kiện cho DN mua lúa gạo của nông dân.

Song song đó, nhiều bộ phải phối hợp cập nhật thông tin về thị trường để giúp DN có cái nhìn tổng quan và nắm bắt được thị trường. 

Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp đưa ra cơ chế cho phát triển ngành gạo cụ thể và sẽ báo cáo Chính phủ có chính sách phát triển hợp lý. 

Các DN cần phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác. 

Trong đó, bản thân từng DN phải tự kiểm soát chất lượng, giữ vững uy tín, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng gây ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực quản trị để tìm kiếm thị trường mới.

Cùng với sự năng động của DN, nhiều bộ ngành cũng đã vào cuộc. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, song song với việc thông tin về những đợt đấu thầu của các nhà nhập khẩu, bộ sẽ chủ động cung cấp thêm thông tin về tình hình cung cầu gạo trong nước và thế giới, cảnh báo tới các DN để DN có quyết định bỏ thầu đúng đắn, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu gạo và uy tín xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Công Phiên - Thanh Hải

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.