|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo ST25 trong quý I/2021 tăng 375 lần, vượt con số của cả năm 2020

19:55 | 20/04/2021
Chia sẻ
Lượng xuất khẩu đạt gần 1.900 tấn gấp 375 lần so với cùng kỳ năm ngoái với con số khiêm tốn chỉ 5 tấn. Thậm chí, với khối lượng gần 1.900 tấn, lượng xuất khẩu gạo ST25 của quý I/2021 vượt so với cả năm 2020 là hơn 1.200 tấn.

Xuất khẩu gạo ST25 trong quý I/2021 cao hơn cả năm 2020

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, xuất khẩu gạo ST25 trong quý I/2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo đó, lượng xuất khẩu đạt gần 1.900 tấn gấp 375 lần so với cùng kỳ năm ngoái với con số khiêm tốn chỉ 5 tấn. Thậm chí, với khối lượng gần 1.900 tấn, lượng xuất khẩu gạo ST25 của quý I/2021 vượt so với cả năm 2020 là hơn 1.200 tấn.

Kim ngạch xuất khẩu gạo ST25 trong quý I đạt 1,7 triệu USD, tăng 25% so với cả năm 2020.

Giá gạo ST25 xuất khẩu trong quý I/2021 đạt thấp nhất là 770 USD/tấn và cao nhất là hơn 1.000 USD/tấn.

Trong quý I/2021, lượng gạo ST25 chủ yếu được xuất sang thị trường Mỹ với tỷ trọng chiếm khoảng 98%. Các thị trường còn lại cũng nhập khẩu gạo ST25 như Macau, Đức và Brazil nhưng với số lượng nhỏ chỉ 1 - 25 tấn. 

Năm 2020, Mỹ cũng là thị trường tiêu thụ chính gạo ST25 của Việt Nam với tỷ trọng trên 90%.

Xuất khẩu gạo ST25 tăng mạnh trong bối cảnh thị trường gạo lao dốc trong quý I/2021. Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2021 ước đạt 450 nghìn tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD, giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.  

Năm 2019, gạo ST25 đạt giải cao nhất trong cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 2020, loại gạo này chỉ dành giải nhì còn giải nhất cuộc thi thuộc về gạo Thái Lan và giải ba là gạo của Campuchia.

Lý giải cho việc vì sao việc xuất gạo ST25 tăng mạnh trong quý I, chia sẻ với người viết ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng do nguồn cung gạo ST25 hiện nay đang dần cải thiện trong khi nhu cầu ở các thị trường vẫn rất lớn.

“Thời điểm năm 2019, khi gạo ST25 mới đạt giải, ông Hồ Quang Cua (cha đẻ của gạo ST25) phải mất 4-5 tháng để nhân giống và mất khoảng một năm sau mới cho thu hoạch. Đến năm 2021, lượng gạo ST25 bắt đầu nhiều hơn để bán ra thị trường. 

Việt Nam vẫn đang làm tốt khâu quảng bá sản phẩm này nhưng do vấn đề nguồn cung còn hạn chế nên số lượng xuất khẩu vẫn chưa được nhiều”, ông Kiên cho biết. 

Ngoài Mỹ, ông Kiên cho biết thị trường EU cũng đang quan tâm đến gạo ST25. Thế nhưng, theo Cục Trồng trọt, trong số 9 giống lúa thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch 30.000 tấn không bao gồm ST25.

Nguyên nhân là do Việt Nam đã thương thảo với EU đối với 9 loại gạo thơm từ rất lâu và đây là những giống gạo phổ biến ở Việt Nam. Trong khi đó, gạo ST25 mới được biết đến rộng rãi từ năm 2019 sau khi chiến thắng cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.

Nhân rộng gạo ST25 không phải chuyện một sớm một chiều

Nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu thế nhưng việc nhân rộng giống lúa này không phải chuyện dễ dàng. 

Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ, cha đẻ của gạo ST25 ông Hồ Quang Cua cho biết sau khi đạt giải nhất cuộc thị gạo ngon nhất thế giới, ông đã phải chịu nhiều áp lực về việc nhân rộng nhanh loại gạo này.

"Nhưng đâu phải muốn nhanh là được. Gần 30 năm qua, tôi đã dành nhiều tâm huyết, không có bất cứ điều kiện gì để có thành quả như hôm nay. Bây giờ tiếp tục giao nhiệm vụ lớn lao này, ai mà lãnh cho nổi", ông Cua chia sẻ.

Trước câu hỏi có doanh nghiệp muốn ngỏ ý mua quyền sở hữu hai giống ST24 và ST25, ông Cua cho biết đối với một giống lúa có tầm vóc phổ canh tác rộng rãi trên phạm vi cả nước nên chăng phải thuộc sở hữu quốc gia để có điều kiện phát triển rộng rãi.

Qua đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể điều phối phát triển, nhằm mục đích nâng cao giá trị hạt gạo của Việt Nam.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết hiện diện tích của gạo ST25 đạt khoảng 10.000 ha, tập trung ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mặc dù thị trường nội địa và xuất khẩu đang quan tâm đến gạo ST25 nhưng theo ông Cường hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn chưa có chính sách, cơ chế ưu đãi dành riêng cho loại gạo này.

"Tuy nhiên, việc nhân giống gạo ST25 không gặp vấn đề khó khăn gì, chủ yếu là doanh nghiệp và địa phương tự chủ động về sản xuất", ông Cường cho biết.

H.Mĩ