|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất khẩu của khu vực FDI tăng: Còn nhiều việc cần làm

07:03 | 19/03/2017
Chia sẻ
Thành tích về xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được đánh giá là điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc giữ vững được đà phát triển đó, đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Tăng đều theo các năm

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 19,709 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu.

Nhìn lại cả giai đoạn 2011 - 2015, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tới 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu luôn có xu hướng tăng trong các năm (năm 2010 là 54,1%; năm 2011 là 56,9%; năm 2012 là 64%, năm 2013 là 66,9%). Và trong năm 2014, xuất khẩu của khu vực FDI đạt 101,59 tỷ USD (tăng 15,2% so với năm 2013) và chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2015, xuất khẩu khu vực FDI chiếm 70,5% tổng xuất khẩu cả nước.

Đặc biệt, năm 2016 xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 125,9 tỷ USD (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2015), chiếm 71,55% kim ngạch xuất khẩu.

Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, doanh nghiệp FDI đã thực sự làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo. Nếu như trước năm 2003, dầu thô chiếm tới gần một nửa xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài thì đến năm 2007, tỷ lệ dầu thô trong tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ còn khoảng 7%...

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương, khu vực FDI đã đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu tăng trưởng cao không chỉ là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm áp lực tăng tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế mà còn là một trong những nhân tố quan trọng giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam không bị giảm sâu trong những năm qua.

Lý giải việc khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn gặp nhiều khó khăn, ông Phạm Duy Toàn, một chuyên gia về xuất nhập khẩu cho rằng, vì khối này có nhiều lợi thế về quản trị doanh nghiệp, chiến lược đầu tư bài bản, dài hạn; đảm bảo nguồn lực về tài chính và đặc biệt là có lợi thế lớn về thị trường xuất khẩu...

Cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thành quả về xuất khẩu của khu vực FDI muốn duy trì trong những tháng tiếp theo của năm 2017, cần tiếp tục cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, trong thời gian tới phải tập trung hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch; có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tăng cường khung pháp lý bảo hộ nhà đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện “Chương trình kết cấu hạ tầng đồng bộ đến 2020”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khẩn trương triển khai các chương trình hành động để phát triển nguồn nhân lực; triển khai việc đào tạo lao động theo nhu cầu doanh nghiệp.

Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai đối thoại chính sách với các nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Triển khai tốt Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, các mô hình hỗ trợ nhà đầu tư như đối thoại chính sách Keidanren, Japan Desk, Korea Desk, Ichi Desk,…

Ngoài ra, theo ông Phạm Duy Toàn, phải chú trọng đến việc cung cấp thông tin liên quan đến việc cải cách thủ tục hải quan, thuế… cho doanh nghiệp FDI một cách kịp thời, nhanh chóng và đầy đủ.