Xuất khẩu cá tra lo thiếu hụt nguồn cung
Sản lượng thu hoạch tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo dự báo của VASEP, các doanh nghiệp cá tra vẫn thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu thời gian tới. (Ảnh:Internet) |
Theo VASEP, nhu cầu cá tra nguyên liệu để chế biến xuất khẩu lớn nhưng sản lượng nuôi của người dân giảm khoảng 30%, còn cá vùng nuôi nguyên liệu của doanh nghiệp cũng giảm.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, nhu cầu tiêu thụ cá tra của các nước nhập khẩu tăng để phục vụ cho Giáng sinh và năm mới, trong khi đó nguồn cung lại không dồi dào nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã tăng mức giá thu mua nhưng vẫn không có nguồn cung. Hiện cá tra nguyên liệu được thu mua với giá 22.500 đ/kg, tăng gần 3.000 đ/kg so với thời điểm cách đây 1 tháng và đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.
Do thiếu nguyên liệu, trong tháng 11/2016, các nhà máy chế biến cá tra giảm tới 30% công suất so với tháng trước, trong khi nhu cầu của thị trường từ nay trở đi tăng tới 40%…. Đây cũng là nguyên nhân khiến mục tiêu đến năm 2016 kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt từ 2 – 2,3 tỷ USD khó thực hiện được.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia ngành hàng cá tra cho rằng, giá cá tra tăng trong thời điểm cuối năm không chỉ người dân mà các doanh nghiệp có vùng nuôi cũng được hưởng lợi. Đây là tín hiệu đánh dấu sự khởi sắc cho thị trường cá tra nguyên liệu trong những tháng cuối năm, giúp người nuôi cá tra có lợi nhuận khá. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đạt mục tiêu kế hoạch năm 2016.
Theo dự báo của VASEP, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra vẫn thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu thời gian tới do sau thời gian giá cá tra tụt dốc, mối liên kết ngành dọc giữa người nuôi và doanh nghiệp được hình thành khá chặt chẽ. Người nuôi cá tra hiện nay gần như đều gắn đầu ra với doanh nghiệp chế biến cụ thể cũng như áp dụng các qui trình nuôi tiến bộ.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, diện tích cá tra 10 tháng đầu năm của các tỉnh ĐBSCL ước đạt 5.352ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 996.076 tấn, tăng 9,1% với cùng kỳ. Trước xu hướng các nước tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước (đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ) nên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn lo ngại nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Vì vậy, dưới tác động từ giá xuất khẩu cá tra philê, giá thu mua cá tra nguyên liệu trên thị trường tăng nhưng về lâu dài người nuôi cá vẫn lo lắng do giá cá tra không ổn định.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, ngành cá tra phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện việc cấp mã số ao nuôi; áp dụng đăng ký nuôi cá tra thương phẩm; hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi; xác nhận hợp đồng xuất khẩu nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với thị trường; đồng thời, cần sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Trong đó, tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo nhóm hộ, HTX, tổ hợp tác… gắn với việc ứng dụng nuôi VietGAP và các chứng nhận nuôi quốc tế. Tổ chức các cơ sở chế biến, tiêu thụ gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu và nhu cầu của từng thị trường. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp chế biến là trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị.