'Xử kín' vụ công ty của nguyên Phó Bí thư Đồng Nai bị kiện đòi hơn 800 tỉ đồng
Ngày 9/6, TAND TP Biên Hòa đã mở phiên tòa dân sự xét xử sơ thẩm vụ “tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư và hợp đồng hỗ trợ vốn giữa nguyên đơn: Liên hiệp hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) tại thị trấn Long Thành, huyện Long Thành và bị đơn là Cty TNHH Cường Hưng (Cty Cường Hưng) tại TP Biên Hòa.
Tuy nhiên trước giờ xét xử, báo chí không được tham dự tác nghiệp. Theo giải thích của HĐXX là nhằm bảo đảm thông tin bí mật của doanh nghiệp. Trong vụ kiện này Donacoop yêu cầu Cty Cường Hưng phải trả hơn 811 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh điều hành Cty gia đình
Cty Cường Hưng do ông Đỗ Tịnh (SN 1966), là người đại diện theo pháp luật. Ông Đỗ Tịnh cũng là chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh (SN 1965), nguyên Trưởng đoàn ĐBQH, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã bị Ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung ương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vào năm 2017 vì đã vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng; Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng; bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội
Theo nội dung đơn kiện của Donacoop, vào tháng 11/2010 giữa Donacoop và Công ty Cường Hưng ký hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư thương mại – dịch vụ có diện tích 91,75ha, ở xã Phước Tân (TP Biên Hòa). Phía Donacoop thực hiện thi công hạ tầng giao thông như: đền bù giải tỏa, làm tuyến đường Long Hưng – Phước Tân, xây cầu, san lấp mặt bằng…, và hưởng lợi nhuận khoán 200.000 đồng/m2. Thời hạn hợp đồng 24 tháng.
Năm 2011, bà Phan Thị Mỹ Thanh là Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách khối đầu tư xây dựng và công nghiệp nhưng lại là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Cường Hưng; đã “ép” Donacoop chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh có lợi nhuận thành “hợp đồng hỗ trợ vốn” không tính lãi.
Từ tháng 6/2011 đến tháng 8/2012, phía Donacoop đã “hỗ trợ” cho Công ty của bà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai số tiền trên 261 tỷ đồng. Đổi lại, Donacoop được nhận cam kết từ Cty Cường Hưng: nếu đến ngày 1/11/2014, Công ty Cường Hưng không trả được các khoản “hỗ trợ vốn” cho Donacoop thì phải trả bằng đất sạch hoàn thiện các tuyến đường chính và được san lấp đủ cốt nền với giá 1.330.000 đồng/m2 (bao gồm thuế VAT).
Tuy nhiên đến ngày 1/11/2014, Công ty Cường Hưng không giao đất cho Donacoop theo cam kết, thời điểm này bà Thanh lên chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai kiêm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Mọi hợp đồng ký kết giữa Công ty Cường Hưng với Donacoop không được thực hiện.
Nhiều lần đòi tiền không được, Donacoop khởi kiện Công ty Cường Hưng ra TAND TP Biên Hòa với yêu cầu buộc Công ty Cường Hưng phải trả cho Donacoop tổng số tiền hơn 811,8 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc hơn 261,6 tỷ đồng, nợ lãi hơn 550,2 tỷ đồng (trong hạn và quá hạn tính đến tháng 4/2020).
Mất chức vì vi phạm luật chống tham nhũng
Trước những sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, từ ngày 27/6 đến ngày 30/6/2017, UBKT Trung ương họp kỳ 15 tại Hà Nội, đã xem xét thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai với hình thức kỷ luật cảnh cáo vì vi phạm nghiêm trọng so với Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Cụ thể, trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty Cường Hưng do chồng là cổ đông sáng lập, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên, là vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng.
Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Thanh đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm như: Ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại ở xã Phước Tân. Vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm; Ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực mình phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh;.
Ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho HTX An Phát, nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư; Kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Ngày 4/5/2018, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Ban Bí thư nhận thấy: Trong thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp từ năm 2003 đến tháng 1/2009, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Bà Thanh đã không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân. Bà Thanh cũng đã đồng ý để kế toán Sở Công nghiệp gửi số tiền còn lại của dự án vào Công ty Gỗ Tân Mai. Khi chuyển công tác, bà Thanh đã không bàn giao dự án cho người kế nhiệm, dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước.
Đặc biệt, trên cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014), bà Thanh đã ký nhiều văn bản của UBND tỉnh, nhưng không xem xét nội dung tham mưu của sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc. Bà Thanh cũng được xác định là đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ký Quyết định số 2230/QĐ-UBND, ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án lấn Sông Đồng Nai không báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Ký một số quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực bà phụ trách, trong đó có dự án không thuộc lĩnh vực được phân công trực tiếp phụ trách; báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ đã thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi cho doanh nghiệp của gia đình mình.
Ngoài những vi phạm trên, bà Thanh còn bị kết luận là thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng quy chế về công tác đối ngoại; nhiều lần sử dụng hộ chiếu ngoại giao để đi nước ngoài với mục đích cá nhân, giải quyết việc riêng; thậm chí có lần xuất cảnh ra nước ngoài không báo cáo tổ chức theo quy định.
Theo Ban Bí thư, những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân bà Thanh.
Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Ban Bí thư cũng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.