|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bị kết luận sai phạm, bà Phan Thị Mỹ Thanh có nên tiếp xúc cử tri?

12:09 | 04/05/2018
Chia sẻ
Ngày 3/5, bà Phan Thị Mỹ Thanh - phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - tiếp tục đi tiếp xúc cử tri nhưng bị phản ứng gay gắt bởi những ý kiến cho rằng bà không còn đủ uy tín.
bi ket luan sai pham ba phan thi my thanh co nen tiep xuc cu tri Đề nghị kỷ luật 'mức cao nhất' với ông Đinh La Thăng, kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh
bi ket luan sai pham ba phan thi my thanh co nen tiep xuc cu tri Kiến nghị xử lý Phó Bí thư Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh
bi ket luan sai pham ba phan thi my thanh co nen tiep xuc cu tri Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai 'ưu ái' công ty của chồng ra sao?
bi ket luan sai pham ba phan thi my thanh co nen tiep xuc cu tri Bà Phan Thị Mỹ Thanh và lãnh đạo Đồng Nai vi phạm những gì?
bi ket luan sai pham ba phan thi my thanh co nen tiep xuc cu tri Ủy ban Kiểm tra trung ương thấy cần kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh
bi ket luan sai pham ba phan thi my thanh co nen tiep xuc cu tri
Đại biểu Phan Thị Mỹ Thanh trong cuộc tiếp xúc cử tri TP Biên Hòa ngày 3-5 - Ảnh: H.MI

Các cử tri khẳng định cơ quan chức năng đã có kết luận rõ ràng và công khai các sai phạm, vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng xác định bà Thanh sai phạm rất nghiêm trọng. Nhiều ý kiến nêu rõ việc bà Thanh đi tiếp xúc là không nên, cho rằng bà không còn đủ tư cách để phát biểu bất cứ vấn đề gì trước cử tri.

Cử tri phản ứng gay gắt

Hôm qua 3/5, khi tổ đại biểu số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tiếp xúc cử tri ở Biên Hòa, có nhiều cử tri hỏi: "Bà Thanh bị trung ương kết luận sai phạm có nên ngồi ở đây không?".

Trước đó, bà Thanh tiếp xúc với cử tri ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch cũng có ý kiến cho rằng: "Đại biểu Thanh không xứng đáng ngồi đây nữa".

Suốt hai ngày qua, các đại biểu chung tổ với bà Thanh có lúc phải lặng người bởi những câu nói, những tư liệu của cử tri trưng ra về sai phạm của bà Thanh.

Riêng bà Thanh khi đứng trước cử tri chưa có một lời xin lỗi và vẫn nói về tư cách đại biểu Quốc hội của chính mình: "Ngày nào còn làm đại biểu, tôi phải thể hiện hết trách nhiệm".

Giải thích về trường hợp bà Thanh, luật sư Trương Tiến Dũng (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Bà Thanh vừa bị kỷ luật cảnh cáo, đang chờ xem xét xử lý tiếp theo. Tuy nhiên, hiện giờ bà Thanh đang còn tư cách đại biểu Quốc hội, chưa bị bãi miễn nên phải đi tiếp xúc cử tri theo quy định pháp luật".

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP HCM) cũng cho rằng căn cứ theo Luật tổ chức Quốc hội, dù bà Thanh bị kỷ luật và đang chờ các hình thức xử lý tiếp theo vẫn có quyền đi tiếp xúc cử tri, không ai cấm.

bi ket luan sai pham ba phan thi my thanh co nen tiep xuc cu tri
Ảnh: Hà Mi

"Không thể để cán bộ sai phạm như bà Thanh cứ đi tiếp xúc cử tri ".

Cử tri Đoàn Văn Khoa (TP Biên Hòa)

Không còn uy tín, nên tạm nghỉ

Luật quy định như vậy nhưng không ít cử tri là cán bộ, đảng viên bày tỏ thái độ không đồng tình với việc bà đi tiếp xúc cử tri.

Ông Hồ Ngọc Khản (P.Trảng Dài, Biên Hòa) nói: "Năm ngoái, khi bà bị kỷ luật cảnh cáo, cử tri nói bà không xứng đáng là đại biểu Quốc hội, không còn uy tín. Không lẽ người ta nói thẳng trước mặt bà Thanh là bà đừng làm nữa".

Ông Khản nói thêm: "Nếu để bà Thanh còn ngồi ở đây tiếp xúc cử tri thì tôi thấy văn hóa ứng xử này không đẹp đẽ gì cả".

Khi cử tri phản ứng, bà Thanh nói: "Cá nhân tôi có những lỗi về kỹ thuật xử lý văn bản, chứ tôi không liên quan đến tài chính, không tham nhũng, không lợi ích nhóm và không có làm gì thất thoát tài sản của Nhà nước cũng như lợi dụng tiền bạc của người dân.

Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội, dù ở hoàn cảnh nào tôi vẫn cũng trân trọng những lá phiếu tín nhiệm của cô bác.

Cho nên còn một ngày làm đại biểu Quốc hội, tôi vẫn đi tiếp xúc cử tri. Nếu sau này tôi không còn là đại biểu, là cán bộ hay người dân thì thâm tâm tôi vẫn lắng nghe người dân".

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng dẫn Luật tổ chức Quốc hội: "Luật quy định một trong những tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật khác...

Đại biểu Quốc hội phải đủ uy tín để thực hiện hoạt động đại biểu Quốc hội và được nhân dân tín nhiệm".

Luật sư Hưng cho rằng với những sai phạm của bà Mỹ Thanh, nhất là khi Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận và đánh giá là rất nghiêm trọng, điều đó đủ cơ sở để xác định bà Thanh không còn đáp ứng được tiêu chuẩn của một đại biểu Quốc hội.

"Việc Ban Bí thư xem xét hình thức kỷ luật với bà Thanh chỉ là một thủ tục, không làm thay đổi bản chất sai phạm. Nếu có lòng tự trọng, bà Thanh nên tự nguyện xin thôi tư cách đại biểu Quốc hội hoặc tạm nghỉ việc chờ kết quả xử lý".

Còn luật sư Trương Tiến Dũng nói: "Ở tình huống như bà Thanh, đúng là quy định hiện hành không tạm đình chỉ tư cách đại biểu, nhưng tốt nhất là không nên đi tiếp xúc cử tri".

Theo luật sư Dũng: "Liệu mọi người có còn tin vào bà Thanh khi phản ảnh tâm tư nguyện vọng?".

Xử lý cán bộ phải tuân theo quy trình

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Ban Công tác đại biểu cho biết các cơ quan chức năng của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét xử lý trường hợp trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh tương xứng với sai phạm, vi phạm.

Việc đó sẽ được tiến hành sau khi các cơ quan nhà nước và cơ quan có thẩm quyền của Đảng có kết luận cuối cùng.

"Bà Thanh là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, phó bí thư thường trực tỉnh ủy, là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý, cơ quan này sẽ có kết luận cuối cùng về xử lý kỷ luật Đảng.

Tôi tin Ban Bí thư sẽ sớm thông báo kết luận, căn cứ vào kết luận này cũng như các kết luận và kiến nghị khác của Thanh tra Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội sẽ tiến hành xem xét mức độ vi phạm, sai phạm, ảnh hưởng đến tín nhiệm, đến tư cách của một đại biểu Quốc hội để đưa ra quyết định đúng pháp luật" - vị này phân tích.

Điều 40 Luật tổ chức Quốc hội quy định việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội như sau: "Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định".

Đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa hướng dẫn trình tự, thủ tục để cử tri bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.

Cho nên khi xét thấy bà Thanh không còn xứng đáng là đại biểu Quốc hội, nhiều khả năng Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà.

Tuổi Trẻ đặt vấn đề về trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh được cơ quan chức năng kết luận rõ ràng về sai phạm, vi phạm và kiến nghị xử lý nhưng bà vẫn thực hiện quyền đại biểu Quốc hội, đi tiếp xúc cử tri liệu có ổn không?

Vị chuyên gia cho rằng đây là vấn đề rất tế nhị, bởi bà Thanh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình trong khi cử tri chất vấn về những sai phạm của bà được công bố rộng rãi.

Nhưng việc xử lý cán bộ phải tuân thủ quy trình của Đảng và pháp luật, đúng thẩm quyền.

"Còn văn hóa từ chức là chuyện khác. Khi cán bộ tự cảm thấy mình không đủ uy tín thì có thể xin từ chức, xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Việc này cũng phải chờ cơ quan có thẩm quyền quyết định" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Lê Kiên

Sơn Định